Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu và những tháng ngày không thể nào quên

(PLO) - Vào tháng 4/1975, Nguyễn Huy Hiệu, khi đó đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 (còn gọi là Trung đoàn Triệu Hải Anh hùng) của Sư đoàn 320B, đã chỉ huy đơn vị tấn công thọc sâu cánh Bắc theo trục đường 13 từ Lái Thiêu đập tan tuyến “tử thủ” Bắc Sài Gòn, chiếm cầu Vĩnh Bình. 
Thượng tướng – Viện sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu
Thượng tướng – Viện sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu
Tiếp đó, nhiệm vụ của Trung đoàn 27 là đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp Ngụy ở Gò Vấp, cùng với các cánh quân khác tấn công nhiều cứ điểm trọng yếu của địch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào trưa 30/4/1975. 
Hạ quyết tâm đập tan tuyến “tử thủ” cuối cùng
Nhớ về trận đánh lịch sử cách đây gần 40 năm, Thượng tướng – Viện sĩ  Nguyễn Huy Hiệu kể rằng, khi đoàn quân vào cách Lái Thiêu khoảng 10km thì được một bà má miền Nam vốn là cơ sở cách mạng ở địa phương trao cho tấm bản đồ chỉ đường để giúp quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn thuận lợi, tránh được thương vong tổn thất lớn trên trục đường. 
Đêm hôm đó, má đã tham mưu cho Trung đoàn rất nhiều điều quan trọng trong trận đánh. Tấm bản đồ của má ghi lại tất cả những điểm trọng yếu trong thành cũng như trên trục đường từ Lái Thiêu về Sài Gòn để chờ trao cho quân Giải phóng. 
Má còn dặn dò: “Khi tấn công, không cần đánh vào Trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Ở đó có khoảng 2000 tên đang rất hoang mang. Cần đánh thẳng, chiếm cầu Vĩnh Bình, vào Gò Vấp, Lục quân công xưởng, Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân Ngụy, Tổng y viện cộng hòa, Căn cứ 25, 26 truyền tin…”.
Về vị trí chiến lược, quận lỵ Lái Thiêu nằm trên đường 13, còn gọi là đại lộ Đại Hàn, cách Sài Gòn 15km, là cửa ngõ tuyến “tử thủ” cuối cùng của địch ở phía Bắc Sài Gòn. Trên  diện tích chưa đầy 4km2, chúng bố trí 3 tiểu đoàn bảo an, hai chi đoàn xe tăng, một tiểu đoàn pháo binh và khoảng gần 2000 quân sĩ trong Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Các vị trí địch trong khu vực đều được cấu trúc kiên cố, liên hoàn với nhau, có tới trên 20 hàng rào dây thép gai xen kẽ vật chướng ngại và hào chiến đấu.
Những ngày cuối tháng 4/1975, mỗi ngày địch lại tăng cường thêm lực lượng cho Lái Thiêu. Lính từ Sài Gòn ra, từ Bình Dương, Phú Lợi đổ về. Trước đây, Lái Thiêu vốn là một quận lỵ sầm uất với những vườn cây ăn quả nổi tiếng khắp miền, nay trở nên ồn ào, chật chội. Tại đây, địch đổ tiền, đổ lính vào những tuyến “tử thủ”, chỉ huy quân Ngụy Sài Gòn hy vọng chặn đứng được các mũi tiến công của ta, có thể kéo dài thêm sự tồn tại của chính quyền tay sai Mỹ.
Sau khi nghiên cứu các mặt mạnh, yếu của địch, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu nói: “Địch tuy đông, phòng thủ có chiều sâu nhưng tổ chức ô hợp, tàn binh từ các nơi chạy về đã gây tâm lý hoang mang, dao động trong các đơn vị địch. Trận mở cửa Lái Thiêu là trận hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ của Sư đoàn. Trung đoàn 27 chúng ta đánh nhanh hay chậm đều ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian mũi thọc sâu của Sư đoàn đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu quân Ngụy Sài Gòn. Vì vậy, bằng giá nào Trung đoàn ta cũng phải tiến công theo đúng kế hoạch, thời gian”. 
Trước tình thế lúc đó, Nguyễn Huy Hiệu quyết định không đánh lần lượt từ ngoài vào trong mà tập trung lực lượng, kết hợp luồn sâu, ém sẵn và thọc sâu bằng cơ giới tiến công vượt qua Lái Thiêu từ hai đầu. Tiểu đoàn 5 (mũi luồn sâu) tấn công địch từ hướng Nam, đánh chiếm cầu Lái Thiêu, bao vây, chia cắt làm tan rã Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Tiểu đoàn 6 (mũi thọc sâu cơ giới) tiến đánh từ hướng Bắc, phối hợp với mũi tấn công của Tiểu đoàn 5 từ hướng Nam đánh lên, làm tan rã địch trên đường 13, đoạn từ Lái Thiêu đến cầu Vĩnh Bình, Bình Phước; đồng thời chặn các hướng khác buộc chúng phải đầu hàng, đảm bảo cho đội hình thọc sâu của Sư đoàn phát triển nhanh chóng. 
Má Sáu Ngẫu (đeo kính) chỉ đường trên bản đồ cho quân Giải phóng (Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu – thứ hai từ phải sang).
Má Sáu Ngẫu (đeo kính) chỉ đường trên bản đồ cho quân Giải phóng
(Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu – thứ hai từ phải sang). 
Thời khắc lịch sử
12h đêm 29/4, phương án tác chiến được chỉ huy Trung đoàn phổ biến tới từng tổ chiến đấu. 3h sáng ngày 30/4, các đơn vị báo cáo đã vào đúng vị trí quy định. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu ra lệnh tấn công. Hỏa lực của Trung đoàn bắn vào các mục tiêu cố thủ của địch trên trục đường tiến quân. Các trận địa pháo, cối nhất loạt nổ súng bắn vào chi khu, pháo phòng không 37 ly hạ thấp nòng bắn chế áp các lô cốt vòng ngoài, chi viện cho bộ binh và xe tăng. 
Trên hướng Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn trưởng Lê Thế Dũng chỉ huy cùng Đại đội trưởng xe tăng Hoàng Thọ Mạc nhanh chóng đánh chiếm cầu Vĩnh Bình để tiến vào mục tiêu chính. Đạn pháo xe tăng, đạn B40, B41 của ta bắn tiêu diệt quân địch chặn đường. Chiến sĩ ta vừa đánh vừa kêu gọi địch đầu hàng. 
Trên hướng Tiểu đoàn 5 là mũi luồn sâu đánh chiếm quận lỵ Lái Thiêu và chiếm cầu sắt Lái Thiêu. Khi nghe tiếng pháo ta nổ ở phía đường Đại Hàn, Tiểu đoàn trưởng Hoàng Đức Ký lệnh cho các mũi áp sát mục tiêu. Pháo chuyển làn, bộ binh từ các hướng xung phong đánh vào mục tiêu theo kế hoạch. 
Ở trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, khi Trung đoàn 27 tấn công trên đường 13 qua đây thì gọi hàng, Đại tá Nguyễn Văn Hinh, Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương đã ra hàng. Nhiều tên lính đi theo sau, tên nào cũng giơ cao mảnh vải trắng. 
Sau đó, Tiểu đoàn 5 bắt liên lạc được với Tiểu đoàn 6. Lúc này Trung đoàn 27 đã làm chủ đường Đại Hàn, đoạn qua Lái Thiêu, chia cắt địch trong chi khu ra thành từng tốp nhỏ. Hai liên lạc địa phương là chị Hai Mỹ và anh Sáu Châu dẫn đường cho các mũi đánh chiếm các mục tiêu còn lại trên dọc đường tấn công. Viên Trung tá Quận trưởng Nguyễn Thái Bình hoảng sợ rúc xuống hầm ngầm, bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 tóm gọn cùng với toàn bộ sĩ quan trong quận Lái Thiêu. Binh lính trong quận lỵ Lái Thiêu tan rã, hạ vũ khí đầu hàng.
Vậy là sau hơn 2 tiếng đồng hồ chiến đấu liên tục, Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn đã đánh chiếm toàn bộ quận lỵ Lái Thiêu. Tuyến “tử thủ” mà quân Ngụy Sài Gòn đặt nhiều hy vọng sẽ chặn được các mũi tiến công của quân ta bị đập tan, cánh cửa phía Bắc Sài Gòn đã rộng mở. Nhân dân ùa ra đường, đổ về dinh Quận trưởng, nơi có lá cờ Giải phóng đang tung bay phấp phới trên tháp cao. 
Lúc này, đội hình xe tăng, thiết giáp, bộ binh, cơ giới của Tiểu đoàn 6 – Trung đoàn 27 cũng tiến nhanh, đánh chiếm cầu Vĩnh Bình và Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân Ngụy ở Gò Vấp, Lục quân công xưởng cùng 13 căn cứ, trong đó có căn cứ 25, 26 truyền tin… Tiểu đoàn 6 cũng đã tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa và cùng với các đơn vị bạn tham gia chiến đấu để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Vào khoảng 10h30’ thì Trung đoàn 27 đã đánh chiếm tất cả các mục tiêu ở Gò Vấp, hoàn thành nhiệm vụ.
Trưa 30/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, Sài Gòn được giải phóng hoàn toàn. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu mở tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu ra cho anh em trong Trung đoàn xem. Ai cũng bảo chữ má đẹp quá. Sau này có người cho biết, má Sáu là giáo viên dạy tiếng Pháp của một trường tiểu học ở Sài Gòn. Gia đình má di cư từ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vào trong đó… 
Đến ngày 1/5, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng Chính ủy Trịnh Văn Thư và một số anh em trong Trung đoàn đánh cái xe Jép chiến lợi phẩm trở lại Lái Thiêu thăm và cảm ơn má Sáu Ngẫu như đã hứa. Má Sáu cùng nhiều bà con Lái Thiêu ùa ra đứng quanh chiếc xe chào đón những người lính Giải phóng. Má và bà con hái tặng những người lính Giải phóng rất nhiều trái cây. Tấm bản đồ ngày đó được Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu gìn giữ rất cẩn thận và sau này ông trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Cho đến tận bây giờ, kỷ niệm về trận đánh lịch sử ngày 30/4/1975 vẫn còn im đậm trong tâm trí Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu. 
(Theo lời kể của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu).

Đọc thêm