“Theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, nhà chức trách (Ấn Độ) đã chuẩn thuận việc đào tạo phi công tiêm kích Su-30 của Việt Nam”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa cho biết.
Su-30MK2V số hiệu 8573 của Không quân Việt Nam |
Tháng 10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm dài ngày đến Ấn Độ. Kết thúc đàm phán giữa Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Ấn Độ, báo chí sở tại đã đưa tin, trong số các vấn đề hai bên thảo luận có cả vấn đề đào tạo phi công Việt Nam.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ Bộ quốc phòng hai nước đã không xác nhận chính thức thông tin này.
Nga đã cung cấp cho Việt Nam hơn 20 tiêm kích Su-30MK2. Hợp đồng mới nhất mua bán 13 tiêm kích này giữa hai nước được ký vào năm 2013. 2 máy bay đã được bàn giao, 2 chiếc nữa sẽ bàn giao trước cuối năm nay, 8 chiếc còn lại bàn giao trong năm 2015.
SU30-MK2 là loại máy bay chiến đấu đa chức năng, vừa có khả năng dò tìm, tuần tra và bảo vệ, vừa có khả năng tấn công và tiêu diệt các mục tiêu của đối phương trên không, trên bộ và trên biển. Ngoài ra, máy bay này còn có thể tiêu diệt các trạm tên lửa phòng không và làm tê liệt các hoạt động của đối phương từ trên không.
Máy bay chiến đấu này có hai chỗ ngồi, được trang bị một hệ thống điều khiển hoả lực và hệ thống ngắm mục tiêu gắn trên mũ bay, giúp phi công phát hiện mục tiêu trên không, trên biển và trên bộ, cũng như tiêu diệt các mục tiêu đó trong mọi điều kiện về thời tiết và thời gian.
Tổng số lượng tiêm kích Su-30MKI mà IAF đặt mua từ Nga hiện là 272 chiếc. Chúng đang được lắp ráp tại Ấn Độ theo giấy phép cung cấp cho hãng sản xuất máy bay Hindustan Aeronautics Limited.
Từ năm 2007, Nga đã chuyển giao cho Ấn Độ 50 Su-30MKI ở dạng thành phẩm, sau đó, có thêm 134 chiếc được lắp ráp tại Ấn Độ. Đến năm 2018, IAF dự tính thành lập 14 phi đội Su-30MKI, tức là lúc đó họ sẽ có trong biên chế đủ 272 chiếc.
Một nguồn tin gần gũi với Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay, Ấn Độ cũng đang thảo luận với Việt Nam về việc bán cho Việt Nam tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do Ấn Độ hợp tác với Nga phát triển và sản xuất.