Thượng viện Mỹ: Đổi 'luật chơi' để dễ... bổ nhiệm nhân sự

(PLO) -Các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa (Mỹ) vừa thực hiện bước đi lịch sử với việc thay đổi những quy định của Thượng viện Mỹ nhằm mở đường cho việc phê chuẩn ông Neil Gorsuch vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao, dỡ bỏ các rào cản đối với ứng cử viên này. 
Một phiên họp của Thượng viện Mỹ
Một phiên họp của Thượng viện Mỹ

Trước đó, Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã thông qua đề cử ông Gorsuch. Tuy nhiên, trong một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, ông Gorsuch chỉ nhận được 55/100 phiếu thuận, thiếu 5 phiếu để được phê chuẩn theo quy định của hiến pháp.

Trong tình thế này, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện - Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell - đề nghị áp dụng biện pháp sửa đổi quy định truyền thống, theo đó mọi đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao chỉ được phê chuẩn khi nhận đủ 60/100 phiếu ủng hộ tại Thượng viện.

Biện pháp mà phe Cộng hòa áp dụng được gọi là "lựa chọn hạt nhân", đã được Thượng viện thông qua ngày 6/4 với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống. Theo quy định mới, ông Gorsuch cũng như tất cả các bổ nhiệm thẩm phán sau này, sẽ chỉ cần nhận được đa số quá bán (51 phiếu) tại Thượng viện để được phê chuẩn. 

Với quy định mới, quyết định bổ nhiệm ông Gorsuch chắc chắn sẽ được phê chuẩn vì đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Thượng viện với 52 ghế. Theo kế hoạch, ông Gorsuch có thể tuyên thệ nhậm chức Thẩm phán Tòa án Tối cao trong ngày 10/4 này. 

Ông Gorsuch, 49 tuổi, hiện là Thẩm phán Tòa án Liên bang ở Colorado. Nếu được phê chuẩn, ông sẽ thay thế Thẩm phán Antonin Scalia, người đã qua đời hồi tháng 2/2016, trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao trẻ nhất trong hơn 25 năm qua và có thể nắm giữ vị trí này trong nhiều thập kỷ tới.

Như vậy, Tòa án Tối cao sẽ có đủ 9 Thẩm phán, và phe bảo thủ đang nắm đa số với 5 người. Nhưng với việc 3 Thẩm phán khác đều đã trên 78 tuổi, Tổng thống Donald Trump hy vọng sẽ là người bổ nhiệm tổng cộng 4 Thẩm phán Tối cao, động thái sẽ giúp phe bảo thủ hoàn toàn chiếm ưu thế tại Tòa án Tối cao.

Giới chuyên gia nhận định một Tòa án Tối cao do phe bảo thủ chiếm đa số sẽ ủng hộ quyền sở hữu súng đạn, quan điểm rộng mở hơn về tự do tôn giáo, các quy định về nạo phá thai, và sẽ chống lại các quyền của người chuyển giới... 

Nếu ông Gorsuch được phê chuẩn, đây sẽ là chiến thắng lớn đầu tiên của Tổng thống Trump kể từ khi nhậm chức, sau thất bại về dự luật chăm sóc sức khỏe và sắc lệnh hành pháp về nhập cư. Phe Dân chủ đã lần đầu tiên sử dụng quyền "lựa chọn hạt nhân" vào năm 2013, khi đảng này kiểm soát Quốc hội.

Họ đã giảm tỷ lệ phê chuẩn xuống còn 51/100 đối với tất cả bổ nhiệm các chức danh trong nội các, trừ các bổ nhiệm Thẩm phán. 4 năm sau, đến lượt mình, các nghị sĩ Cộng hòa đã đặt dấu chấm hết cho các nguyên tắc mà những nhà lập nước đã muốn áp dụng: lưỡng đảng, ôn hòa và đồng thuận.

Biện pháp "lựa chọn hạt nhân" được xem như một "cơn địa chấn chính trị" vì nó làm thay đổi hoàn toàn truyền thống đồng thuận của Thượng viện, vốn được coi là "hành lang bảo vệ nền dân chủ".

Theo quy định từ trước tới nay, việc áp dụng tỷ lệ 60/100 là nhằm tạo điều kiện để đảng thiểu số có tiếng nói và buộc Thượng viện cố gắng có được sự đồng thuận giữa hai đảng lớn trong quá trình phê chuẩn các dự luật cũng như các bổ nhiệm của Tổng thống. Từ nay trở đi, mọi nỗ lực của Thượng viện nhằm ngăn cản một bổ nhiệm nào đó của Tổng thống đều có thể thất bại chỉ với đa số quá bán. 

Quyết định trên của phe Cộng hòa đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các nghị sĩ Dân chủ, thậm chí cả một số nghị sĩ Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Delaware Chris Coons cho biết việc tìm kiếm một sự đồng thuận lưỡng đảng sẽ đảm bảo rằng các ứng cử viên có quan điểm trung dung hơn được bổ nhiệm vào vị trí Thẩm phán Tối cao.

Theo ông, quyết định mới cho thấy một thực tế là hai đảng đã "không còn tin tưởng lẫn nhau". Trong khi đó, cũng có một số nghị sĩ Cộng hòa bày tỏ lo ngại rằng quy định mới sẽ làm giảm giá trị của các cuộc thảo luận và đồng thuận giữa hai đảng tại Thượng viện, và không đảm bảo sự công bằng./. 

Đọc thêm