Nội dung Nghị quyết gồm 09 điều, quy định về: Điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19; Kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19; Khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh COVID-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh COVID-19; Việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19; Bình ổn giá trang thiết bị y tế; Về chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Chẳng hạn, về điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19, Nghị quyết quy định trong trường hợp nhân lực của đơn vị, địa phương không đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngoài việc điều động, huy động người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền được phép điều động, huy động những người sau đây tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19:
Một là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam (bao gồm cả người nước ngoài) được thực hiện xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 khác với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề;
Hai là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở y tế được thành lập để thực hiện hoặc được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị người nhiễm COVID-19 (sau đây viết tắt là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19) mà không cần có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
Ba là sinh viên, học sinh, học viên của các trường thuộc khối ngành sức khỏe; người thuộc đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19.
Về chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập (bao gồm cả tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật) được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, chi trả của người sử dụng dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trong đó theo Nghị quyết ngân sách nhà nước được thực hiện theo phân cấp như sau:
Ngân sách trung ương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do trung ương thành lập, không bao gồm phần ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Ngân sách địa phương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do địa phương thành lập. Trường hợp ngân sách địa phương không bảo đảm được thì ngân sách trung ương hỗ trợ.
Ngân sách nhà nước thanh toán hoàn trả các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo phân công của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi thanh toán theo quy định từ nguồn ngân sách nhà nước mà cơ sở y tế công lập đã sử dụng từ nguồn tài chính của đơn vị (không bao gồm nguồn tài trợ, viện trợ)...
Chia sẻ về cơ sở pháp lý và quá trình xem xét, thông qua Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực từ sớm, từ xa để xem xét, ban hành kịp thời Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng chống dịch COVID-19 tại Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về KTXH năm 2021-2022, thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Cụ thể, ngay sau khi nhận được Tờ trình số 521/TTr-CP ngày 17/11/2011 của Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Xã hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ.
Nhiều cuộc họp liên quan đã được tổ chức và tại Phiên họp thứ 6, ngày 08/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình số 542/TTr-CP của Chính phủ trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội tại Báo cáo số 394/BC-UBXH15. Sau khi xem xét Báo cáo số 565/BC-CP của Chính phủ cùng hồ sơ kèm theo, ngày 21/12/2021, Đảng đoàn Quốc hội đã có Báo cáo số 441-BC/ĐĐQH15 báo cáo Thường trực Ban Bí thư về việc ban hành Nghị quyết.
Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Ban Bí thư, ý kiến chỉ đạo của Bí thư, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã rà soát, chỉnh lý và có hai báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Và ngày 30/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 12.