Thụy Điển "cởi chiếc áo quá chật" cho lao động cao tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dù nằm trong tốp những quốc gia châu Âu có tỷ lệ người cao tuổi tham gia thị trường lao động cao, ít ai biết rằng, trong nhiều thập kỷ đến nay, Thuỵ Điển đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống lại những định kiến xã hội và sự phân biệt đối xử với lao động cao tuổi.
Thụy Điển "cởi chiếc áo quá chật" cho lao động cao tuổi

Lao động Thuỵ Điển có thể nghỉ hưu ở tuổi 68

Theo tờ Aftonbladet (Thụy Điển), cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến hàng loạt người lao động trên 55 tuổi tại đất nước này thất nghiệp dài hạn. Giờ đây, chính phủ đang đưa ra một loạt giải pháp để giúp những lao động này tiếp tục được làm việc hoặc có những công việc mới.

Những ưu đãi kể ra như: giảm chi phí tuyển dụng đối với những người đang thất nghiệp trên 55 tuổi, khấu trừ thuế thu nhập, giảm độ tuổi nhận lương hưu sớm hơn, mở rộng thị trường công việc cho người lao động lớn tuổi, yêu cầu các nhà tuyển dụng tạo điều kiện, khuyến khích họ tiếp tục đi làm và nhận lương hưu muộn hơn…

Theo website chính thức của Cơ quan Hưu trí Thụy Điển, pháp luật hiện hành quy định độ tuổi thấp nhất được hưởng lương hưu là 61 tuổi nhưng không có giới hạn độ tuổi cao nhất. Điều đó có nghĩa là người Thụy Điển vẫn có quyền được làm việc sau khi họ đã đạt tuổi nghỉ hưu theo luật định, pháp luật không bắt buộc bất cứ ai phải dừng lao động nếu họ còn sức khoẻ và có nhu cầu.

Thông thường, người Thụy Điển lựa chọn tiếp tục làm việc sau 60 tuổi, bắt đầu nghỉ hưu và nhận lương hưu từ năm 65 tuổi. Bởi lẽ, tiếp tục làm việc sau khi đạt tuổi nghỉ hưu không chỉ mang lại mức lương hưu cao hơn mà số tiền khấu trừ thuế của họ cũng được giảm nhiều hơn.

Theo đó, chính phủ khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho người người lao động cao tuổi có năng lực làm việc cho đến năm 68 tuổi – quy định này được cập nhật vào năm 2020 nhằm tạo điều kiện nhiều hơn cho các lao động lớn tuổi kiếm thêm thu nhập, đóng góp cho nền kinh tế nước nhà.

Hiện nay, Thụy Điển nằm trong tốp những quốc gia châu Âu có tỉ lệ lao động cao tuổi cao nhất. Độ tuổi nghỉ hưu ở quốc gia này đã tăng lên sau cuộc cải cách pháp luật về hưu trí. Tuy vậy, với những thành tựu nêu trên, ít ai ngờ đất nước Thụy Điển đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ để chống lại những định kiến xã hội về tuổi tác.

Vào khoảng năm 1990, đất nước này đã bắt đầu có những dấu hiệu của dân số già và kể từ đó, chính phủ nỗ lực vận động, tạo cơ chế, cải cách pháp luật cho người lao động cao tuổi tham gia làm việc, tăng tuổi nghỉ hưu và nhận lương hưu muộn hơn.

Sau tuổi 40, sự quan tâm của các nhà tuyển dụng giảm hẳn so với người trẻ.

Sau tuổi 40, sự quan tâm của các nhà tuyển dụng giảm hẳn so với người trẻ.

Nhiều thập kỷ nỗ lực phá bỏ rào cản định kiến

Mặc dù trên bề diện pháp luật, người dân có thể tiếp tục làm việc dù đã đạt tuổi nghỉ hưu nhưng trên thực tế điều này khó thể thực hiện được bởi định kiến của nhà tuyển dụng và sự phân biệt tuổi tác trong xã hội Thụy Điển. Theo tờ Aftonbladet, sự phân biệt tuổi tác đang khiến các doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng nhân sự khi tỷ lệ người cao tuổi và người trẻ tuổi thất nghiệp sau Covid-19 đều tăng vọt.

Cụ thể, theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước về việc làm tại Thụy Điển, trong tháng 7/2021, có tới 136.400 thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 thất nghiệp, tương đương với 17,5% lực lượng lao động trong độ tuổi đó. Nhưng nghịch lý nằm ở chỗ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên rất cao, ngay cả khi thiếu thốn nhân lực, nhóm người lao động trên 55 tuổi thậm chí còn không được gọi phỏng vấn vì tuổi tác của họ.

Một thống kê khác của cơ quan này cho thấy, vào tháng 3/2021, có tới 182.000 người thất nghiệp dài hạn và 23% trong số họ từ 55-64 tuổi. Tỷ lệ thất nghiệp dài hạn ở độ tuổi 55-64 cao hơn gấp 4 lần so với thanh niên từ 18-24 tuổi. Nhiều người lớn tuổi dù chưa đạt độ tuổi nghỉ hưu cũng buộc phải nghỉ sớm vì không có cơ hội làm việc.

Khác với người trẻ tuổi, người lớn tuổi thất nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đi làm trở lại, với khả năng cạnh tranh thấp hơn, đặc biệt là những người cao tuổi không đạt trình độ học vấn trung học phổ thông. Điều này có nghĩa là họ có nguy cơ “mắc kẹt” trong thời gian thất nghiệp dài hơn, cuộc sống khó khăn hơn, phải tự chi trả cho đến khi đủ tuổi nhận lương hưu, và mức lương hưu cũng thấp hơn.

Điều này bắt nguồn từ định kiến về tuổi tác và sự phân biệt đối xử trong thị trường lao động và trong tuyển dụng ở nước này. Một khảo sát mới nhất của Công ty Skandia đã chỉ ra sự hiện hữu của định kiến này. Theo đó, 25%

trong số 1.000 người được khảo sát cho rằng những người trên 65 tuổi không thể có cơ hội nghề nghiệp bình đẳng với những người trẻ tuổi hơn. 75% cho rằng cơ hội việc làm giảm mạnh sau 55 tuổi.

Để phá bỏ định kiến về lao động lớn tuổi, năm 2018, chính phủ Thụy Điển đã lập ra một phái đoàn cấp cao – TCO, với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội để tận dụng tốt hơn kinh nghiệm và kỹ năng của người cao tuổi trong thị trường lao động. Các cuộc điều tra của phái đoàn này đã tiết lộ việc nhiều người sử dụng lao động đã không đảm bảo quyền lợi của người lao động lớn tuổi trong các thỏa thuận về bảo hiểm xã hội và lương hưu nghề nghiệp.

Trong số đó, cũng có một bộ phận không nhỏ người sử dụng lao động cố gắng thuyết phục nhân viên nghỉ hưu ở tuổi 65, mặc dù thực tế họ có quyền và có đủ sức khoẻ để làm việc đến 68 tuổi. Ngay cả trong các cơ quan chính phủ - nơi kêu gọi sự bình đẳng về tuổi tác, những người tìm việc trên 55 tuổi cũng gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc.

Sofia Hylander, một điều tra viên thuộc phái đoàn TCO cho biết: “Có rất nhiều quan niệm lỗi thời cho rằng người lớn tuổi không có khả năng học hỏi những điều mới hay họ không linh hoạt như những người trẻ tuổi. Đó chỉ là định kiến mà chúng ta phải xoá bỏ”.

Mặt khác, nhiều nghiên cứu xã hội đã cho thấy năng suất lao động của người Thuỵ Điển được duy trì ổn định cho đến khi họ già đi. Thậm chí, năng suất còn cao hơn trong một số lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, giáo dục… Cũng không có kết quả nghiên cứu nào chứng minh được tất cả người lớn tuổi đều sợ công nghệ, ít thay đổi và khó học hỏi những điều mới.

Nhiều lao động cao tuổi Thuỵ Điển đang ủng hộ bình đẳng tuổi tác.

Nhiều lao động cao tuổi Thuỵ Điển đang ủng hộ bình đẳng tuổi tác.

Không để lãng phí nguồn lực cao tuổi

Dân số Thụy Điển ngày càng già hơn và quốc gia này đang nỗ lực cải thiện sự bình đẳng tuổi tác trong xã hội như cách mà họ đã làm được với bình đẳng giới. Theo thống kê dân số nước này, hiện có hơn 2,6 triệu người trên 60 tuổi tại Thụy Điển, so với tổng số hơn 10,23 triệu dân trên cả nước. Ước tính, đến năm 2050, con số này sẽ đạt 3,5 triệu người. Thay vì gọi đây là “thách thức” hay “gánh nặng”, người Thụy Điển muốn coi đây là một “sự tiến bộ”.

Trong nhiều năm nay, rất nhiều tổ chức phi chính phủ, báo chí, truyền thông kêu gọi Thụy Điển nên bắt đầu một chiến dịch tương tự với chiến dịch chống lại phân biệt đối xử tuổi tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây phát động. Đây là một nỗ lực quan trọng để cải thiện điều kiện sống cho người cao tuổi, đồng thời không để phí một nguồn lực quý giá của đất nước.

Đặc biệt, dư luận hiện đang quan tâm nhiều hơn đến câu hỏi: Tại sao thị trường lao động ở Thụy Điển vào năm 2021 không tạo điều kiện cho những người có thể và có nhu cầu làm việc sau 65 tuổi? Câu hỏi được hàng triệu người dân yêu cầu các chính trị gia, doanh nghiệp và những người sử dụng lao động khác giải đáp trong cuộc đấu tranh trường kỳ cho sự bình đẳng về tuổi tác.

“Đã đến lúc chuyển từ lời nói sang hành động và xây dựng cuộc sống bền vững cho lao động ở mọi lứa tuổi”, cựu chủ tịch Hiệp hội quốc gia về hưu trí Thụy Điển (SPRF) – Jöran Rubensson khẳng định với tờ Aftonbladet.

Còn trong Nghiên cứu về phân biệt tuổi tác do Viện Đánh giá Chính sách Giáo dục và Thị trường Lao động (IFAU) thực hiện, các nhà nghiên cứu đã gửi 6.000 đơn xin việc cho những người từ 35-70 đến 2.000 nhà tuyển dụng. Kết quả cho thấy sự phân biệt đối xử này thậm chí còn tồi tệ hơn trên thực tế.

Cụ thể, nhà nghiên cứu Stefan Eriksson đến từ Đại học Uppsala (Thụy Điển) cho hay, sự quan tâm của các nhà tuyển dụng giảm mạnh khi ứng viên đạt tuổi 40. Sau 55 tuổi, cơ hội lao động có được công việc càng khan hiếm hơn. Ở mức 65 tuổi, cơ hội làm việc gần như bằng không. Phụ nữ lớn tuổi nhận được ít cơ hội hơn nam giới. Stefan Eriksson giải thích, khi ứng viên đã ngoài 40, các nhà tuyển dụng nghi ngờ khả năng linh hoạt, năng động và dám nghĩ dám làm của ứng viên nên họ loại luôn những ứng viên đó.

Đọc thêm