Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh công tác đăng ký và thống kê hộ tịch có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, thời gian qua Bộ Tư pháp đã tập trung và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hộ tịch để đảm bảo số liệu chính xác, phục vụ tốt nhất cho người dân.
Toàn cảnh buổi lễ |
Việc ký kết Quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đăng ký và thống kê hộ tịch; đảm bảo tính thống nhất, đầy đủ, kịp thời và chính xác trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số liên quan đến đăng ký và thống kê hộ tịch và xây dựng báo cáo thống kê hộ tịch; tăng cường phối hợp, sử dụng hiệu quả nguồn lực của các cơ quan đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành. Đặc biệt, Quy chế phối hợp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 và Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu. |
Sau lễ ký kết, Thứ trưởng Mai Lương Khôi mong Lãnh đạo các Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện hiệu quả quy chế đồng thời đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tích cực phối hợp các cơ quan để cụ thể hóa các nội dung ký kết.
Thông tin tại lễ ký kết, đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết: Quy chế phối hợp chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số liên quan đến đăng ký và thống kê hộ tịch gồm 03 chương, 11 điều và 03 phụ lục, trong đó có quy định cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc thực hiện, yêu cầu, nội dung phối hợp, các phương thức cập nhật, chia sẻ dữ liệu...
Hoạt động phối hợp, chia sẻ, cập nhật số liệu được thực hiện trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng dữ liệu như Luật Thống kê, Luật Hộ tịch, các quy định về việc thu thập, khai thác, sử dụng dữ liệu. Dữ liệu chia sẻ phải bảo đảm tính cập nhật, chính xác theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị ký kết Quy chế phối hợp. |
Quy chế phối hợp quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu như: Cản trở hoạt động kết nối, quyền khai thác và sử dụng dữ liệu hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; mua bán, trao đổi, chia sẻ dữ liệu trái quy định của pháp luật; vi phạm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, tiết lộ thông tin cá nhân…
Các nội dung trong công tác phối hợp chia sẻ, trao đổi thông tin bao gồm xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành và thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Một hoạt động quan trọng của việc phối hợp giữa các cơ quan là xây dựng Báo cáo thống kê hộ tịch quốc gia phục vụ Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.
Nội dung quan trọng của Quy chế phối hợp là các thông tin, dữ liệu liên quan đến đăng ký, thống kê hộ tịch mà các cơ quan có thể chia sẻ, cập nhật. Ví dụ, Bộ Tư pháp có thể cung cấp cho Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê các thông tin về đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn theo loại hình đăng ký, độ tuổi, khu vực. Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê có thể cung cấp cho Bộ Tư pháp thông tin về số trẻ sinh ra, số tử vong tại các cơ sở y tế...Nội dung này được cụ thể hóa tại 03 phụ lục của Quy chế phối hợp.
Phương thức chủ yếu trong cập nhật, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan là kết nối, chia sẻ dữ liệu trực tuyến trên môi trường mạng giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp với các cơ sở dữ liệu của Tổng cục thống kê và cơ sở dữ liệu sinh tử của Bộ Y tế thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoặc các dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Trước mắt khi chưa chia sẻ được qua môi trường mạng thì các bên có thể chia sẻ qua văn bản, tệp dữ liệu qua Hệ thống quản lý văn bản điện tử hoặc thư điện tử công vụ.
Bên cạnh đó, Quy chế phối hợp cũng xác định rõ trách nhiệm các cơ quan trong việc thực hiện Quy chế, vai trò của các đơn vị đầu mối trong việc phổ biến, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện Quy chế, theo đó Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp; Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê là 03 đơn vị giúp Lãnh đạo các cơ quan thực hiện chức năng đầu mối phối hợp và có trách nhiệm tổ chức, phổ biến, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện Quy chế.