Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước phải bảo mật tốt, tránh lộ, lọt

(PLVN) - Đối với việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị phải làm rõ giải pháp công nghệ như thế nào, “có đai”, “có rào” để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân, quyền con người.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu thảo luận tại tổ.

Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước. Qua thảo luận, đa số các ý kiến nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Căn cước với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và cho rằng, việc ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Tuy nhiên, để việc xây dựng, ban hành Luật Căn cước được chặt chẽ, phát huy có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy tối đa hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước…

Phát biểu thảo luận tại tổ 9, đối với việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị phải làm rõ giải pháp công nghệ như thế nào, “có đai”, “có rào” để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân, quyền con người.

“Cụ thể cấp quyền khai thác ra sao, ai được truy xuất và quyền truy xuất đến đâu? Chứ không phải ai cũng có quyền khai thác. Ví dụ, tích hợp giấy hợp giấy phép lái xe, cơ quan nào cần truy xuất giấy phép lái xe thì chỉ truy xuất giấy phép lái xe; cơ quan nào cần truy xuất thẻ bảo hiểm thì chỉ được phép khai thác dữ liệu về bảo hiểm. Và cần được quy định trong Luật hay văn bản dưới luật cho các cơ quan có thẩm quyền. Cũng có ý kiến đặt vấn đề tại sao không truy xuất trong Cơ sở dữ liệu quốc gia mà phải truy xuất trong thẻ căn cước? Đây là vấn đề cần nghiên cứu thêm”, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Cùng băn khoăn về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, việc thẻ căn cước tích hợp nhiều thông tin cá nhân nên cơ quan, tổ chức, người khai thác có thể khai thác được bí mật cá nhân của người khác thông qua thẻ căn cước. Do đó, Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định, chỉ cấp quyền khai thác thông tin tích hợp trong căn cước phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể và cần có sự đồng ý, giám sát của công dân.

Đại biểu Hùng cũng đề nghị cần cân nhắc lại việc tích hợp các thông tin như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, khai sinh, chứng nhận kết hôn... vào căn cước là không phù hợp với nội hàm “căn cước” theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật. Cụ thể “Căn cước là thông tin về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người”. Do đó, Đại biểu Hùng nhận thấy, việc tích hợp các thông tin nêu trên vào căn cước là không chính xác, đây không phải thông tin về lai lịch, nhân dạng… của một người.

Thảo luận tại tổ 1, đề cập về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Điều 10 của dự án Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần bổ sung vào kho lưu trữ dữ liệu để tăng cường dữ liệu quốc gia và hiệu lực quản lý thông tin. Tuy nhiên, cần cụ thể thông tin, đối tượng nào bắt buộc phải đưa vào kho dữ liệu, đối tượng và thông tin nào thì không phải bắt buộc.

Ngoài ra, Điều 23 của dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tích hợp thông tin vào thẻ căn cước để giảm bớt thủ tục giấy tờ, tránh thất lạc giấy tờ, thuận lợi cho cơ quan trong giao dịch, cải cách thủ tục hành chính và thuận lợi cho người dân trong việc giảm chi phí, thời gian đi lại. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, việc tích hợp này cần hạ tầng tốt để bảo vệ dữ liệu, tránh thất thoát, làm lộ bí mật thông tin của người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở gốc để làm căn cước công dân. Qua tổng kết, đánh giá, Chính phủ và các cơ quan cho rằng, việc cấp căn cước công dân là bước tiến mới trong chuyển đổi số quốc gia. Thực tế, chuyển đổi số quốc gia là quá trình “dò đá qua sông”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; vừa phải bảo đảm tiệm cận với trình độ phát triển công nghệ của thế giới, vừa đặt ra yêu cầu về quản lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước tốt, kết nối và chia sẻ được thì chỉ cần căn cước công dân, thay vì phải dùng đến 5 loại giấy tờ, tiết kiệm được chi phí. Nhưng quá trình làm, chúng ta phải chấp nhận “sự quá độ” nên trong chừng mực nào đó còn có hạn chế.

Đọc thêm