Tiềm ẩn nguy lây nhiễm cúm gia cầm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tháng 3/2024, 1 trường hợp tử vong do mắc cúm A (H5N1). Sau khoảng 8 năm, Việt Nam mới ghi nhận thêm ca mắc bệnh này.
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Sau 8 năm không ghi nhận ca mắc cúm A (H5N1) mới (kể từ năm 2014), đến tháng 8/2022 và tháng 3/2024, Việt Nam ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Thông tin trên được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, tổ chức sáng 27/3.

Cũng theo thông tin tại Hội nghị, trong vòng 3 tháng đầu năm 2024, có 27 ca tử vong do bệnh dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ.

Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Theo Cục Y tế dự phòng, dịch cúm A(H5N1) ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là 1 trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là 2004-2009 ghi nhận 112 trường hợp bệnh, trong đó có 57 ca tử vong.

Tháng 10/2022 ghi nhận trường hợp cúm A(H5N1) trên người mới nhất kể từ tháng 2/2014 (Phú Thọ). Tháng 3/2024 ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa.

Tích lũy đến nay Việt Nam ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong (khoảng 50%).

Về cúm A(H7N9), hiện chưa ghi nhận ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam trên cả gia cầm và người. Chưa ghi nhận cúm A(H5N6), A(H5N8) và A(H9N2) lây sang người, dù có ghi nhận ổ dịch trên gia cầm ở Việt Nam.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, bệnh cúm gia cầm vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu; tỷ lệ tử vong rất cao.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Bộ Y tế

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Bộ Y tế

3 tháng đầu năm đã có 16/63 tỉnh ghi nhận bệnh dại trên người

Theo Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam, xác định 5 bệnh lây truyền từ động vật sang người ưu tiên: Cúm gia cầm độc lực cao, dại, than, liên cầu lợn và xoắn khuẩn vàng da (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16).

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. 60/63 tỉnh có dại trong 10 năm gần đây.

Từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại. Ảnh: Cục Y tế dự phòng.

Từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại. Ảnh: Cục Y tế dự phòng.

Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 170%).

Về tình hình bệnh dại, trong năm 2024, đến nay ghi nhận 16/63 tỉnh có ca bệnh dại trên người. Miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (9 ca). Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắk Lắk: 4 ca, Long An: 3 ca).

Về tình hình tiêm vaccine phòng dại trên người, theo Cục Y tế dự phòng, trong năm 2023 có đến 674.888 người tiêm vaccine phòng dại. Khu vực miền Nam có số lượng người tiêm dại cao nhất trong 6 năm qua, lên đến 65%.

Theo điều tra năm 2023, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.

Đáng chú ý, có đến 43,8% người không đi tiêm phòng dại là do chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó có sức khỏe bình thường. Bên cạnh đó, có đến 16,4% người không tiêm phòng dại là do dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại.

43,8% người không đi tiêm phòng dại là do chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó có sức khỏe bình thường. Ảnh: Cục Y tế dự phòng

43,8% người không đi tiêm phòng dại là do chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó có sức khỏe bình thường. Ảnh: Cục Y tế dự phòng

Cần sự vào cuộc của tất cả mọi người

Theo Bộ Y tế, hơn 2 thập kỷ qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1), MERS-CoV, Ebola. Gần đây nhất là đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia. Khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm là các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên; đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.

Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra.

Tại Hội nghị, các đơn vị từ Trung ương và địa phương chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, chủ động triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh.

Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng thời UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Trong đó, UBND các tỉnh, thành cần quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Đọc thêm