Tiềm ẩn ô nhiễm, bệnh tật từ những “vựa ve chai”

(PLO) -Tại Hà Nội, hiện có rất nhiều cơ sở mua bán phế liệu mọc lên tự phát, nằm ngay trong các khu dân cư đông đúc. Đáng lo ngại là, phần lớn các điểm kinh doanh phế liệu hầu hết đều trong cảnh tạm bợ, ô nhiễm.
Tiềm ẩn ô nhiễm, bệnh tật từ những “vựa ve chai”

Theo khảo sát của phóng viên, cơ sở mua bán phế liệu phần lớn mọc lên tự phát và phân bố nhỏ lẻ ở khắp địa bàn Hà Nội. Ở các khu đô thị mới như Xa La (quận Hà Đông), Định Công (quận Hoàng Mai), Yên Hòa (quận Cầu Giấy)… cũng đều dễ dàng bắt gặp những điểm thu mua phế liệu nằm xen kẹt trong khu dân cư đông đúc. Cách Hà Nội không xa, làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) “nổi tiếng” là một trong những điểm thu mua phế liệu trực tiếp. 

Tại đây, mỗi ngày có hàng tấn phế liệu từ đài, ti-vi, đồ nhựa hỏng đến lông gà, lông vịt đổ về làng. Sự phát triển nhanh chóng của nghề này đã tạo điều kiện thuận lợi, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít hệ lụy về môi trường. Dễ thấy nhất là cảnh rác, phế liệu ngổn ngang chất cao ngập đầu người rải rác khắp làng, vào tận trong các ngõ ngách. Mùi nhựa tái chế, lông, da... thường xuyên bốc lên khét lẹt. Nước thải chưa qua xử lý bốc mùi hôi tanh, khó chịu cũng được các hộ vừa thu gom phế liệu, tái chế rác xả trực tiếp ra kênh mương sinh hoạt. Nhắc chuyện này, một cán bộ địa phương cho biết, ô nhiễm môi trường thực sự là nỗi nhức nhối, trăn trở của địa phương hiện nay. Tuy nhiên, do nằm xen kẽ trong khu dân cư nên môi trường ở đây bị ô nhiễm nặng nề, khiến nhiều người dân lo âu. UBND xã cũng đã nhiều lần tổ chức họp bàn nhằm tìm cách giải quyết triệt để tình trạng này.

Tương tự như ở xã Tân Triều, thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) cũng được coi là “làng tái chế” rác thải lớn nhất của thành phố. Nghề đã mang lại cho làng một diện mạo đổi khác, khang trang. Tuy nhiên, với người dân địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường đang trở thành nỗi ám ảnh, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống nơi đây.

Một bất cập khác khi phóng viên tìm hiểu về vấn đề này là, phần lớn các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu nằm xen kẹt trong các khu vực tập trung đông người hoặc trong ngõ nhỏ, đường hẻm nên việc ứng cứu nếu xảy ra hỏa hoạn gặp nhiều hạn chế. Nhắc chuyện này, chị Hà Thị Thảo người từng sống ngay gần một cơ sở thu mua phế liệu trên đường DT 70A (Hà Đông) chia sẻ: “Thuê trọ ngay gần một điểm thu gom phế liệu nên tôi luôn cảm thấy rất lo sợ. Không ai biết hoặc kiểm soát được họ mua những thứ gì và liệu có gây cháy nổ hay không. Ban đêm ngủ, hễ thấy mùi gì hơi khét, hay tiếng động mạnh là tôi lại giật mình”.

Khách quan nhìn nhận, hiện các ngành chức năng, chính quyền các địa phương nơi được xem là “vựa ve chai” hiện cũng rất tích cực tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân về việc tuân thủ những nội quy, quy định về an toàn, phòng, chống cháy nổ. Nhắc chuyện này, ông Nguyễn Hữu Vỵ - Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền để người dân vào các cụm sản xuất công nghiệp tập trung thì UBND xã cũng đã kết hợp với đoàn công tác trên huyện tổ chức vệ sinh những trục đường chính, thu gom toàn bộ rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường. “UBND xã cũng có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi, giới thiệu và đào tạo nghề mới để khuyến khích người dân chuyển đổi nghề” – ông Vỵ chia sẻ. 

Rõ ràng, việc để các cơ sở tập kết, kinh doanh phế liệu, sắt vụn xen kẹt hoạt động trong các khu dân cư như hiện tại đang tiềm ẩn rất nhiều ẩn họa. Thực tế này đòi hỏi cần phải đẩy mạnh trách nhiệm của chính quyền sở tại trong công tác quản lý các cơ sở kinh doanh sắt vụn, phế liệu. Nói cách khác, việc siết chặt quản lý, sớm di dời các cơ sở kinh doanh phế liệu, không để họ mua bán tự do, trái phép như hiện nay là hết sức cần thiết, cần sớm vào cuộc để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra./.

Đọc thêm