Tiềm năng thị trường sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng

(PLVN) - Tại Hội nghị hợp tác và phát triển sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng tại Việt Nam được tổ chức mới đây tại TPHCM, một báo cáo cho thấy, mức chi tiêu cho bảo đảm an toàn thông tin của thế giới năm 2018 là khoảng 114 tỷ USD, dự báo năm 2019, con số này ước đạt 124 tỷ USD. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong đó, chi tiêu cho hoạt động sử dụng dịch vụ chiếm 50%. Tuy nhiên, theo ước lượng sơ bộ, tổng doanh thu thị trường an toàn thông tin năm 2018 tại Việt Nam chỉ khoảng 1.200 tỷ đồng, tương đương khoảng 52 triệu USD (0,04% thị trường thế giới).

Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 80 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Trong đó, số doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm chiếm đa số, doanh nghiệp tự sản xuất còn chiếm tỷ trọng thấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuy được cấp phép nhưng vẫn xem an toàn thông tin là mảng giá trị gia tăng của dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông…

“Đây là con số cho thấy giá trị thị trường an toàn, an ninh mạng của Việt Nam rất nhỏ bé. Qua đó cũng thấy được mức độ quan tâm đầu tư bảo đảm an toàn, an ninh mạng của các tổ chức, doanh nghiệp, cũng như sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực này ở Việt Nam còn rất khiêm tốn”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Vi Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường, hiện chưa có một khảo sát chính thức nào được thực hiện và công bố về quy mô, cấu trúc nhu cầu thị trường trong nước, trong khi các doanh nghiệp, hiệp hội không đủ khả năng (về tài chính, thẩm quyền) để tự thực hiện các khảo sát.

Theo đánh giá, xếp hạng an toàn thông tin mạng của Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin thực hiện năm 2018 tại 90 cơ quan nhà nước bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành…, không có cơ quan nào xếp loại A, tới 70% (63 cơ quan) xếp loại C và 56,2% cơ quan không có kinh phí cho an toàn, an ninh mạng.

Bên cạnh đó, ông Ngô Vi Đồng còn cho rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin nói chung và an toàn thông tin nói riêng là thách thức lớn phải bắt kịp đối với các doanh nghiệp nội trong điều kiện thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi về công nghệ thông tin mà còn phải chuyên sâu về những lĩnh vực hạ tầng, hệ thống, ứng dụng trong an toàn thông tin.

Để “mở đường” cho các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, cần có những cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh này như cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, 4 để rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, tạo lập cơ sở dữ liệu trực tuyến về doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng… 

Đọc thêm