Tiềm năng xuất khẩu nông sản bằng đường sắt qua Lạng Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngành Đường sắt đang phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn phát triển hạ tầng logistics, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản qua Trung Quốc bằng đường sắt.
Ngành Đường sắt đang phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm sản qua cửa khẩu Ga Quốc tế Đồng Đăng. (Ảnh: Minh Hữu).
Ngành Đường sắt đang phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm sản qua cửa khẩu Ga Quốc tế Đồng Đăng. (Ảnh: Minh Hữu).

Thực tế nhiều năm nay cho thấy, nông sản, nhất là trái cây xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường bộ chủ yếu qua khu vực cửa khẩu Lạng Sơn. Những lúc cao điểm, việc tắc nghẽn xảy ra cục bộ tại khu vực cửa khẩu, nhiều khi xe container chở hàng kéo dài ra cả quốc lộ hàng chục km.

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), lợi ích của hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt là vận chuyển thẳng qua biên giới với số lượng lớn, không bị ách tắc tại cửa khẩu như khi vận chuyển bằng đường bộ. Phương thức này còn giúp tiết giảm chi phí, đồng thời gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín cho doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Chính nhờ những lợi ích đó, thời gian gần đây, ngành Đường sắt đang nỗ lực xuất khẩu hàng nông sản, trái cây qua Trung Quốc bằng đường sắt. Điển hình, vào tháng 9/2023, ga Sóng Thần (Bình Dương) – ga đường sắt lớn nhất miền Nam đã có chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Lộ trình của chuyến đi từ ga Sóng Thần đến ga Yên Viên (Hà Nội). Tại đây, lô hàng tiếp tục được chuyển toa sang tàu khổ 1.400 mm để vận chuyển đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc.

Dịp Tết Nguyên đán 2024, thêm một đoàn tàu chở nông sản tươi cũng được xuất phát từ ga Sóng Thần xuất sang Trung Quốc. “Nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản tươi qua Trung Quốc bằng đường sắt. Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy việc này”, lãnh đạo VNR cho biết.

Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng xuất khẩu nông lâm sản bằng đường sắt, VNR cần nhiều việc phải làm, trong đó có việc nâng cấp hệ thống đường sắt Bắc Nam, đặc biệt là tạo ra khu vực logictics kết nối tại khu vực ga quốc tế Đồng Đăng.

Mới đây, Chủ tịch VNR Đặng Sỹ Mạnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng tăng trưởng qua các năm. Năm 2018, kim ngạch hàng hóa XNK đạt 93,8 triệu USD, đến năm 2023 đạt 136 triệu USD. Tuy nhiên, cửa khẩu này không phát sinh nhiều loại hình hàng hóa, số lượng XNK cũng không lớn. Hàng xuất khẩu chủ yếu là quặng sắt, nhôm thỏi, đồ gỗ mỹ nghệ, tinh bột sắn, cây huyết đằng, quả Thanh Long, da heo khô, chân lợn, chân gà nấu chín. Hàng nhập khẩu chủ yếu là thép các loại, vật liệu chịu lửa, melamin, da lợn, chân gà đông lạnh, chân lợn đông lạnh, hóa chất.

Một góc Ga quốc tế Đồng Đăng.

Một góc Ga quốc tế Đồng Đăng.

Cũng theo UBND tỉnh Lạng Sơn, hoạt động XNK hàng hóa qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

Tại buổi làm việc này, Chủ tịch VNR Đặng Sỹ Mạnh cho biết, VNR đang có dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng Ga Đồng Đăng để đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách, hàng hóa. “VNR mong muốn UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp trong việc nâng cấp hạ tầng ga đường sắt Đồng Đăng, phát triển trung tâm logistics phục vụ xuất khẩu qua đường sắt”, lãnh đạo VNR đề nghị.

Ông Đoàn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các doanh nghiệp nắm được các chủ trương và tăng cường hoạt động giao thương hàng hóa bằng đường sắt qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng; nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan chức năng của Quảng Tây (Trung Quốc) về chính sách thuế nhập khẩu chính ngạch hàng hóa nông, lâm, thủy sản đi bằng đường sắt; phối hợp với cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục trong khu vực Ga Đồng Đăng...

Đọc thêm