Tiến độ “rùa” trong di dời nhà máy ra ngoại ô

Hôm qua (9/12), HĐND TP. Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 3 với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung quan trọng được đưa ra chất vấn tại kỳ họp lần này là nhóm vấn đề về giao thông, quy hoạch đô thị và đặc biệt là tái chất vấn việc xử lý các dự án “treo”...

Hôm qua (9/12), HĐND TP. Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 3 với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung quan trọng được đưa ra chất vấn tại kỳ họp lần này là nhóm vấn đề về giao thông, quy hoạch đô thị và đặc biệt là tái chất vấn việc xử lý các dự án “treo”.

Di dời nhà máy, trụ sở chưa được 1/10

Hôm qua, cử tri Hà Nội chứng kiến Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi “chịu trận” hàng loạt câu hỏi của các đại biểu HĐND.

Trả lời chất vấn về việc di dời các bệnh viện, nhà máy, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô và việc xử lý diện tích đất đó sau khi di dời được, vị Phó Chủ tịch cho biết, UBND thành phố đã đưa ra kế hoạch di dời toàn bộ 142 cơ sở nhà đất với tổng diện tích sử dụng đất là 260,15 ha, tuy nhiên, hiện mới có 22 đơn vị thực hiện di dời với 19,17 ha.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Phó Chủ tịch, các đại biểu tiếp tục “truy vấn” về trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng đất của các trụ sở sau khi được di dời chủ yếu biến thành các khu chung cư cao tầng, thu hút lượng lớn dân cư, góp phần làm cho tình trạng quá tải giao thông thêm trầm trọng.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam còn nhận xét, trong khi quy hoạch về việc di dời các bệnh viện, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô của Hà Nội còn chưa thực hiện được bao nhiêu thì đã có tình trạng bệnh viện “mẹ” đẻ ra thêm nhiều bệnh viện “con” như ở các Bệnh viện Bạch Mai, Việt – Đức; nhiều trường đại học cũng tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng hơn trong khuôn viên ở nội đô như Đại học Ngoại thương.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho rằng, đó là những tồn tại do lỗi quy hoạch trước khi có quy hoạch chung Thủ đô, còn kể từ khi Chính phủ ban hành quy hoạch chung của Thủ đô, chủ trương của Thành phố là kiên quyết đưa diện tích đất sau khi di dời các trụ sở vào mục đích công cộng. Về các bệnh viện và trường đại học, theo ông Khôi, trách nhiệm xây dựng quy hoạch và thực hiện dự án di dời thuộc các Bộ chủ quản (Y tế, Giáo dục và Đào tạo), Hà Nội chỉ phối hợp, chủ yếu trong việc giải phóng mặt bằng.

Đã thu hồi 10 dự án chậm triển khai

Một điểm mới tại kỳ họp lần này là HĐND thành phố đã tiến hành tái chất vấn các kết luận chất vấn tại kỳ họp trước. Những vấn đề được nêu ra tái chất vấn là về việc xử lý các dự án treo, việc quy hoạch địa điểm để xây dựng trụ sở TAND thành phố và việc xây dựng các trường mầm non cho 6 phường trong nội thành.

Tuy nhiên, vấn đề được các đại biểu quan tâm và chất vấn nhiều nhất là việc xử lý các chủ đầu tư để dự án chậm triển khai, trong khi Hà Nội đã thống kê các dự án sử dụng đất, song không triển khai trong 12 tháng là 48 dự án chiếm 131 ha; chậm triển khai trong 24 tháng là 39 dự án với 425 ha; dự án sử dụng đất sai mục đích là 26 dự án với 700 ha...

Giải trình trước HĐND, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết, các dự án chậm triển khai (dự án treo) do nhiều nguyên nhân như vướng giải phóng mặt bằng, hoặc tạm ngừng để chờ quy hoạch phân khu, hoặc do chủ đầu tư khó khăn về tài chính, năng lực. “Với những dự án vướng mắc do chủ đầu tư thiếu năng lực, nếu tình hình không cải thiện, Thành phố sẽ tiến hành thu hồi” - ông Khanh quả quyết.  

Cũng theo ông Khanh, trong năm 2011, Thành phố đã xử phạt hành chính 68 đơn vị, phạt tiền 1,4 tỷ đồng; ra quyết định thu hồi 10 dự án của 10 tổ chức, đơn vị với tổng diện tích là 5,3 ha. Về việc công khai các đơn vị có dự án treo, tất cả các đơn vị có vi phạm đất đai đều được thể hiện trong các văn bản báo cáo.

Trang web của Sở Tài nguyên Môi trường cũng có tên, địa chỉ của tất cả các đơn vị phải làm thủ tục thu hồi đất. Những đơn vị khác chậm thực hiện dự án do có khó khăn khách quan và đang tập trung quyết liệt tháo gỡ, thực hiện thì Thành phố không nêu tên lên các phương tiện thông tin.

Thục Quyên
 

Đọc thêm