Thông tin về những kết quả cụ thể trong công tác bầu cử, ông Nguyễn Chí Trung cho biết, hàng tuần, Ủy ban Bầu cử (UBBC) các cấp tổ chức họp báo để trực tiếp kiểm tra tiến độ công việc và kịp thời chỉ đạo, định hướng các công việc đảm bảo sự chủ động cũng như nhằm tháo gỡ, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh để công tác bầu cử được thực hiện chặt chẽ, hoàn thành tốt theo kế hoạch đã đề ra.
Tiền Giang đã thành lập 03 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) (02 đơn vị 5 bầu 3; 01 đơn vị 4 bầu 2); 22 đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh (17 đơn vị 5 bầu 3; 05 đơn vị 3 bầu 2); cấp huyện thành lập 100 đơn vị bầu cử; cấp xã thành lập 1.155 đơn vị bầu cử. Toàn tỉnh thành lập 1.461 tổ bầu cử và 1.461 điểm bỏ phiếu.
Tiền Giang cũng đã thực hiện nghiêm túc và hoàn thành tốt công tác tổ chức các bước hiệp thương, lập danh sách chính thức 14 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV (11 người do địa phương giới thiệu, 03 người do Trung ương giới thiệu) để bầu 08 đại biểu; 100 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh để bầu 61 đại biểu; 604 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu 366 đại biểu; 7.432 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã để bầu 4.481 đại biểu.
Hội nghị tiếp xúc cử tri tại Tiền Giang được tổ chức đúng quy định, gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19. |
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền luôn được cấp ủy, chính quyền chú trọng và chỉ đạo sâu sát. Tiếp xúc cử tri cũng thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế và luôn có sự chủ động nhằm đảm bảo không để dịch bùng phát ra cộng đồng, nhất là gần đến ngày diễn ra bầu cử.
- Trên cơ sở Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị và quy định của pháp luật về bầu cử, cũng như hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ông có đánh giá như thế nào về kết quả chuẩn bị bầu cử ở Tiền Giang trong thời gian qua?
- Trong suốt quá trình chuẩn bị công tác bầu cử, tỉnh luôn bám sát các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, nhất là các mốc thời gian. Bên cạnh đó, các cấp ủy, Ban Chỉ đạo bầu cử các cấp thường xuyên quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, nhất là Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức…
Từ đó, từng cán bộ, đảng viên, công chức ý thức được trách nhiệm của mình. Những cán bộ được phân công trực tiếp tham gia các tổ chức bầu cử được chọn lựa kỹ lưỡng, có năng lực, phẩm chất, có kinh nghiệm để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. Đây là nhân tố rất quan trọng quyết định thành công của cuộc bầu cử.
- Từ nay đến ngày bầu cử, những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Tiền Giang cần tập trung là gì, thưa ông?
- Để cuộc bầu cử diễn ra thành công đúng quy trình và theo luật định, UBBC tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tổ chức thật tốt công tác tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên ĐBQH, HĐND đảm bảo dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và kết thúc trước 7 giờ ngày 22/5/2021 theo quy định.
Hai là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để mọi người hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia bầu cử. Kết hợp chặt chẽ tuyên truyền trực quan (banner, khẩu hiệu, băng rôn...) với tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri biết và tích cực thực hiện để góp phần vào sự thành công chung cho ngày hội bầu cử.
Ba là, tiếp tục tổ chức tập huấn cho các tổ bầu cử thật kỹ lưỡng, cụ thể về chuyên môn và kỹ năng. Vừa thực hiện đúng luật vừa tránh sai sót để có kết quả tốt nhất.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức bầu cử trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở tổ bầu cử, nhằm đảm bảo chuẩn bị thật chu đáo, thật cụ thể để ngày bầu cử diễn ra trên địa bàn tỉnh thật sự là ngày hội của toàn dân.
Năm là, các công việc tiến hành công tác bầu cử phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung tối đa công tác phòng chống dịch, không lơ là, không chủ quan và phải thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành Y tế; chuẩn bị tốt các phương án ứng phó kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra. Tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho các ứng cử viên, thành viên các tổ chức bầu cử. Đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về an ninh trật tự trước trong và sau bầu cử, nhất là tại các điểm bỏ phiếu.
Với sự tập trung lãnh đạo của của cấp ủy đảng, của Ban Chỉ đạo và UBBC các cấp; phát huy và thực hiện quyền bầu cử của công dân theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín, tôi tin tưởng rằng, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 của tỉnh Tiền Giang sẽ thành công tốt đẹp.