Tiền Giang phải là xung lực quan trọng của đoàn tàu kinh tế ĐBSCL

(PLO) - Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018, diễn ra ngày 9/8.
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng các đại biểu tham dự Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng các đại biểu tham dự Hội nghị

Với chủ đề “Tiền Giang: Cơ hội đầu tư - Đồng hành phát triển”, hội nghị thu hút sự tham gia của lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp, cùng lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL

Kêu gọi đầu tư trên 16.000 tỷ đồng

Nói về tiềm năng và sự phát triển của Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trong những năm gần đây tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh liên tục tăng cao. Năm 2016 - 2017, Tiền Giang nằm trong tốp 3 tỉnh tăng trưởng GRDP cao nhất ĐBSCL, bình quân tăng 8,0%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, giá trị GRDP theo giá so sánh 2010 của tỉnh đạt hơn 29.300 tỷ đồng, xếp thứ 2 vùng ĐBSCL.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp

Thời gian qua, tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Hưởng cũng cho biết, tại hội nghị lần này, Tiền Giang đã mời gọi đầu tư vào 19 dự án trên các lĩnh vực: Hạ tầng Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, dự án phát triển hạ tầng thương mại với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 16.000 tỷ đồng.

Theo ông Hưởng, danh mục các dự án đầu tư đã được tỉnh chọn lựa xem xét kỹ để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Ở từng dự án, tỉnh đều cung cấp thông tin chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể, giá đất cụ thể để các nhà đầu tư tìm hiểu, tính toán và khi quyết định đầu tư có thể triển khai thực hiện được ngay.

Thủ tướng yêu cầu Tiền Giang phải tiếp tục giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt tăng trưởng, tăng cường quỹ đất cho nhà đầu tư, quy hoạch và thực hiện quy hoạch tốt, đối thoại với người dân và doanh nghiệp nhiều hơn

Thủ tướng yêu cầu Tiền Giang phải tiếp tục giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt tăng trưởng, tăng cường quỹ đất cho nhà đầu tư, quy hoạch và thực hiện quy hoạch tốt, đối thoại với người dân và doanh nghiệp nhiều hơn

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả Hội nghị xúc tiến đầu tư Tiền Giang với hơn 16.000 tỷ đồng được cấp phép đầu tư cho các dự án. Đồng thời Thủ tướng ghi nhận những cố gắng của chính quyền Tiền Giang trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển địa phương. Thủ tướng nhận định, Tiền Giang có vị trí chiến lược đắc địa cho phát triển của tỉnh nói riêng và ĐBSCL nói chung. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, Tiền Giang kết nối thuận lợi với TP.HCM, có trục cao tốc Trung lương, 120km bờ biển. Đây cũng là điểm kết nối giao hoà miền Đông và miền Tây. Tiền Giang còn là mặt tiền của ĐBSCL”.

Từ những lý do đó, việc Tiền Giang thu hút những nhà đầu tư lớn, có tầm nhìn xa trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, chế biến là điều hiển nhiên; phải đi đầu trong đổi mới, không chỉ để phát triển kinh tế địa phương mà phải trở thành xung lực quan trọng của đoàn tàu kinh tế khu vực ĐBSCL.

Xung lực quan trọng của đoàn tàu kinh tế ĐBSCL

Nói về lợi thế của Tiền Giang, Thủ tướng nhắc lại lịch sử hàng trăm năm trước của vùng đất này. Từ thế kỷ XVII, Mỹ Tho cùng cù lao Phố (Biên Hòa) là hai trung tâm tấp nập nhất của Nam Bộ. Mỹ Tho trước đây chiếm vị trí trung chuyển quan trọng bậc nhất của các ghe chài to lớn từ miền Tây lên Chợ Lớn, Sài Gòn. Đây cũng là địa phương có đường sắt đầu tiên của Đông Dương. Từ những sử liệu đó cho thấy vùng đất này từng có một vị trí quan trọng về thương mại của cả Nam Bộ. Do đó, với điều kiện hết sức thuận lợi như ngày nay thì không có lý gì mà không phát triển.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Tiền Giang phải tiếp tục giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt tăng trưởng, tăng cường quỹ đất cho nhà đầu tư, quy hoạch và thực hiện quy hoạch tốt, đối thoại với người dân và doanh nghiệp nhiều hơn. Tích cực hỗ trợ hỗ trợ tiếp tục nguồn vốn cho doanh nghiệp, người dân để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Thực hiện tốt liên kết 5 nhà trong đó có ngân hàng hỗ trợ cho sản xuất phát triển nông nghiệp. Đây là một kênh quan trong để huy động vốn cho người dân.

Về phần các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị: Các doanh nghiệp không nên chậm trễ với những dự án, kế hoạch đầu tư vào Tiền Giang, bởi tất cả chúng ta đều nhìn thấy một địa phương như Tiền Giang đang ngày càng quyết tâm chuyển mình theo hướng năng động chung của cả nước; khi mà các năm 2016, 2017, nửa đầu 2018, Tiền Giang đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao, 8%/năm. Theo đó, Thủ tướng mong các doanh nghiệp, vì quyền lợi của chính bản thân mình và sự phát triển của Tiền Giang, “hãy đón bắt thời cơ làm ăn mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng tỉnh Tiền Giang phát triển”.

Đọc thêm