4 tháng đầu năm 2020, Tiền Giang thụ lý là 17.375 việc, số việc có điều kiện thi hành: 10.525 việc; Đã giải quyết xong: 3.585 việc, đạt 34,1% trên số có điều kiện thi hành. Về tiền đã giải quyết xong: 133 tỉ 069 triệu 691 ngàn đồng, đạt tỉ lệ 13,5% trên số có điều kiện thi hành.
Một trong những lĩnh vực được Thi hành án Tiền Giang quan tâm chú trọng là công tác phối hợp với các cơ quan ban ngành hữu quan. Theo đó, trong mối quan hệ với Tòa án nhân dân các cấp trong việc giải quyết án tuyên không rõ, không thi hành được, về cơ bản đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư Liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC. Việc phối hợp giữa Cơ quan THADS với Cơ quan Công an trong việc tham gia cưỡng chế theo đúng quy chế phối hợp; sự phối hợp công tác thi hành án dân sự với Trại giam, Trại tạm giam được thực hiện thuận lợi theo đúng quy định hướng dẫn Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính về hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án là phạm nhân.
Việc chuyển giao tang vật, tài sản sung công giữa Cơ quan Thi hành án dân sự với các ngành có liên quan được thực hiện thuận lợi, kịp thời, đúng quy định pháp luật. Cục và các Chi cục phối hợp tốt với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong việc kiểm tra, giám sát về công tác thi hành án dân sự, thực hiện kịp thời những kiến nghị của các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, vi phạm.
Trong thời gian tới, Cục THADS Tiền Giang cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án dân sự theo Nghị quyết 111/2015/QH13 của Quốc hội, quyết định giao chỉ tiêu thi hành dân sự của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS trong năm 2020.
Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục, cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp để cho ý kiến tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đề ra. Tiếp tục duy trì công tác phối hợp liên ngành với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Tiền Giang để kịp thời phát hiện và tháo gở khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết án về thu hồi nợ cho các Tổ chức tín dụng, Ngân hàng.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra công tác rà soát, phân loại án đảm bảo chính xác; tập trung xác minh, xử lý kịp thời các án đã thụ lý có thời gian kéo dài; tăng cường công tác giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, kiên quyết cưỡng chế các đối tương chây ỳ không tự nguyện thi hành án.
Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trình tự thủ tục thi hành án, quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án, đảm bảo quy trình lập hồ sơ đúng quy định và hướng dẫn kịp thời, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ cho các Chi cục và xin ý kiến cấp trên về những vấn đề vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án
Công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức cũng được Tiền Giang chú trọng. Theo đó, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, cụ thể là rà soát, tổng hợp nhu cầu tuyển dụng biên chế công chức hành chính nhà nước năm 2020; lập thủ tục đề nghị bổ nhiệm vào ngạch chấp hành viên sơ cấp đối với công chức trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chấp hành viên sơ cấp năm 2019…Thực hiện công tác giải quyết khiếu nạị, tố cáo đảm bảo đúng thời hạn, đúng quy định không để xảy ra khiếu nại vượt cấp, kéo dài, khiếu nại đông người, đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan đơn vị trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại. Phòng chuyên môn thuộc Cục phối hợp tốt với các Chi cục trong việc giải quyết khiếu nại từ cơ sở;
Đồng thời, tiếp nhận thông tin và xử lý có hiệu quả phản ánh của nhân dân qua đường dây nóng của Cục THADS tỉnh để lãnh đạo Cục trực tiếp lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân về công tác thi hành án dân sự, nhằm kiểm tra, chỉ đạo giải quyết kịp thời, nhanh chóng ý kiến của người dân theo đúng quy định pháp luật.