Tiền Giang tạo nền tảng hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với 32km bờ biển, Tiền Giang là một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên biển. Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 tạo được nền tảng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế biển, nghề cá dựa vào việc mở rộng nuôi trồng thủy sản trên biển, đất liền, kết hợp với du lịch và ổn định, bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Tiền Giang tạo nền tảng hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển

Xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc

Thời gian qua, Tiền Giang đã quan tâm, tập trung đầu tư hạ tầng nuôi thủy sản cho vùng ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng hoàn thiện. Tỉnh đã đầu tư hạ tầng nuôi thủy sản cho vùng ven đê, nâng cấp các tuyến đê bao ngăn xâm nhập mặn, hoàn chỉnh công trình ngọt hóa Gò Công. Việc kết nối hạ tầng giữa các huyện, thị xã trên địa bàn qua hệ thống giao thông ngày càng được nâng cao như: Cầu Mỹ Lợi nối Tiền Giang - Long An, Tỉnh lộ 871B nối Gò Công Đông, TX Gò Công với tỉnh Long An... Hệ thống đường, điện và bưu chính viễn thông đến nay đã đến với 100% các xã, phường, khu phố, ấp các địa phương ven biển của tỉnh.

Đặc biệt, Tiền Giang đang triển khai dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) - trục phát triển song song với Quốc lộ 50, tạo hướng liên kết, dư địa phát triển mới cho khu vực trung tâm của tỉnh với các huyện, thị ven biển của tỉnh. Cùng với đó, Tiền Giang cũng đang triển khai các thủ tục có liên quan về phương án đầu tư Dự án Tuyến đường bộ ven biển (đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang) kết nối tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre (giai đoạn 1).

Các công trình điện gió trên vùng biển Tiền Giang góp phần tạo diện mạo mới về kinh tế biển trên địa bàn

Các công trình điện gió trên vùng biển Tiền Giang góp phần tạo diện mạo mới về kinh tế biển trên địa bàn

Ngoài ra, việc hình thành các công trình điện gió trên vùng biển Tiền Giang cũng góp phần tạo cơ sở hạ tầng và diện mạo mới về kinh tế biển trên địa bàn. Dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đã thi công hoàn thành các hạng mục, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 10/2023. Dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 đã hoàn thành và vận hành thương mại vào cuối tháng 10/2021; tính đến cuối tháng 12/2022, tổng sản lượng điện phát ra là 125,2 triệu kWh.

Tiền Giang cũng tập trung đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho các huyện phía Đông; tiếp nhận khu công nghiệp (KCN) Soài Rạp, thành lập Cụm công nghiệp (CCN) Gia Thuận 1, 2, KCN Bình Đông... Đây là những giải pháp, điều kiện mang tính đột phá, tạo điều kiện phát triển bền vững, lâu dài cho vùng kinh tế biển Tiền Giang.

Xây dựng môi trường xanh

Để chủ động ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, Tiền Giang thường xuyên tổ chức quan trắc chất lượng nước biển ven bờ. Các điểm quan trắc và thông số quan trắc được lựa chọn mang tính đại diện cho vùng biển ven bờ tỉnh Tiền Giang và đảm bảo theo QCVN 10-MT: 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Thời gian qua, các kết quả quan trắc của Tiền Giang không có nhiều biến động, phần lớn các thông số đều đạt quy chuẩn.

UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp nhận chủ trương lập Dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Tiền Giang”; phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Trong đó gồm 14 đoạn huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông với tổng chiều dài khu vực bảo vệ bờ biển là 36,1km. Nhiệm vụ đang được triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2024. Tỉnh cũng đã ban hành các kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn. Nhất là việc “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ việc xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” để thực hiện hiệu quả công tác ứng phó biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Nhận diện và thách thức

Hiện nay, tại Tiền Giang chủ yếu là nuôi nhuyễn thể vùng bãi triều (nuôi nghêu), không phát triển nuôi theo hệ thống lồng bè. Tổng diện tích nuôi nghêu trên địa bàn là 2.320ha, tập trung tại huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông. Hàng năm, các địa phương này cung cấp cho thị trường khoảng 18.000 - 20.000 tấn nghêu thương phẩm.

Để phát triển bền vững nghề khai thác nghêu gắn liền với bảo vệ môi trường vùng ven biển, Tiền Giang đã xây dựng và phát triển vùng khai thác nghêu huyện Gò Công Đông theo tiêu chuẩn MSC; đáp ứng các tiêu chuẩn: Về năng suất, chất lượng bảo quản, cộng đồng tham gia khai thác có trách nhiệm, bảo tồn nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên…

Về khai thác thủy sản, tổng số tàu cá của tỉnh Tiền Giang hiện tại là 1.422 tàu/420.106 kW, với khoảng 9.900 thuyền viên hoạt động trực tiếp. Tổng sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt khoảng 125.000 tấn. Bên cạnh việc phát triển các đội tàu có nghề khai thác hiệu quả, hiện Tiền Giang đang khuyến khích phát triển đội tàu hành nghề dịch vụ khai thác. Đây là loại nghề có thế mạnh tại địa phương với số lượng hiện trên 330 tàu nhằm phục vụ cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho các tàu cá.

Các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Tiền Giang sôi nổi trở lại sau đại dịch COVID-19

Các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Tiền Giang sôi nổi trở lại sau đại dịch COVID-19

Tỉnh cũng quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, nhất là đưa tàu tham gia khai thác xa bờ, vừa giảm áp lực khai thác ven bờ, vừa bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, nâng cao thu nhập, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, kinh tế biển của Tiền Giang hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu, tương xứng với lợi thế sẵn có, còn nhiều khó khăn, thách thức như: Hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, tập trung ở ven bờ, nghề cá được khai thác và đánh bắt chủ yếu bằng tàu công suất nhỏ, ngư dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, việc quy hoạch không gian biển và phân vùng chức năng vùng bờ, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển chưa được triển khai thực hiện…

Trước tác động của biến đổi khí hậu, nhiều khu vực bị nhiễm mặn trong mùa khô, một số nơi bị ngập úng vào mùa mưa; nền trũng, thấp, yếu... Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; công nghiệp có giá trị gia tăng tương đối thấp; nguồn lao động với kỹ năng cao không nhiều. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận ngư dân về nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng - an ninh còn hạn chế. Chất lượng bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn nhiều hạn chế nên chất lượng và giá trị sản phẩm chưa cao, khó có khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu.

Việc đổi mới và sử dụng trang thiết bị hiện đại còn khá thấp, mức độ công nghiệp hóa chưa cao, với trình độ học vấn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn nên ngư dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kỹ thuật mới, nhất là kỹ thuật khai thác xa bờ… Những điều này đã ảnh hưởng đến quá trình, định hướng phát triển kinh tế của Tiền Giang nói chung và kinh tế biển khu vực phía Đông nói riêng.

Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển

Kinh tế biển xanh tuy đã được đề cập ở Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn là lĩnh vực mới cả về nội dung và cách tiếp cận, đặc biệt là việc đánh giá hiện trạng và tiềm năng để phát triển kinh tế biển xanh của Việt Nam nói chung và của Tiền Giang nói riêng. Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh sẽ thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của chiến lược biển. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về tầm quan trọng và khả năng tái tạo có điều kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tuyên truyền để ngư dân hiểu và thực hiện đúng luật pháp về biển, các cam kết quốc tế về biển.

Lực lượng biên phòng Tiền Giang tuyên truyền về phòng, chống IUU cho chủ phương tiện, thuyền trưởng và ngư dân

Lực lượng biên phòng Tiền Giang tuyên truyền về phòng, chống IUU cho chủ phương tiện, thuyền trưởng và ngư dân

Đồng thời, tiếp tục các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên biển; khai thác có hiệu quả các tiềm năng ven biển của tỉnh. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp - người dân làm ăn, sinh sống gắn bó với biển, tích cực góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

UBND tỉnh Tiền Giang đã đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn; đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là quá trình xâm nhập mặn và đề xuất các giải pháp khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước đối với khu vực ven biển; đánh giá chi tiết ảnh hưởng của sụt lún, sạt lở, nước biển dâng đến tài nguyên đất làm cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất của tỉnh; quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2030…

Đặc biệt, Tiền Giang sẽ tập trung phát triển kinh tế biển Gò Công để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của khu vực biển tỉnh. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư FDI từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án lớn vào các khu, cụm công nghiệp ven biển; hỗ trợ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực khoa học công nghệ biển, điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển.

Đọc thêm