“Tiền Nhà nước không thể tiêu như tiền doanh nghiệp tư nhân”

"Phải có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, phải có quyền kiểm soát, quyền thanh tra, quyền làm tất cả mọi việc đối với doanh nghiệp và thường xuyên phải báo cáo, xin ý kiến chứ không phải là tiền của Nhà nước lại tiêu giống như tiền của doanh nghiệp tư nhân", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh nói xung quanh vấn đề đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Kinh tế khó khăn, ngành ngành, nhà nhà đều phải “thắt lưng buộc bụng”. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thắt chặt quá cũng gây những ảnh hưởng nhất định. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đã làm rõ hơn những vấn đề liên quan.

Công khai vốn ngân sách nhà nước

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm đầu tư công quá mức trong thời gian qua khiến nhiều công trình, dự án phải dừng thi công gây thất thoát, lãng phí. Thực tế của vấn đề này ra sao, thưa Bộ trưởng?

 

- Do đầu tư của chúng ta giảm đi so với giai đoạn trước, trước nhu cầu ngày càng tăng lên của các bộ, ngành, các địa phương cho nên thực tế có nhiều công trình, dự án mà đã bố trí trước đây dàn trải thì bây giờ không đủ tiền để tiếp tục bố trí cho đủ.

Hai nữa là chúng ta thực hiện Chỉ thị 1792 (về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ- PV), tức là tập trung khắc phục đầu tư dàn trải cho nên Chính phủ chỉ đạo kiên quyết tập trung công trình nào hoàn thành công trình đó đưa vào sử dụng. Còn lại công trình nào có thể giãn, hoãn được thì giãn, hoãn để lại giai đoạn sau.

Cần phải thấy rõ nếu tiếp tục dâng đầu tư công lên thì làm nợ công tăng lên, Chính phủ trình Quốc hội thôi đành phải cắt đi và cũng chi ít đi, áp lực đối với chúng tôi cũng rất lớn vì trong khi các công trình đã dàn trải, đã làm dở dang rồi mà bị đột ngột cắt thì chắc chắn sẽ khó khăn. Vấn đề là nếu có nhiều tiền mà không cắt giảm thì quá tốt…

Vậy, trong lúc này, tái cơ cấu đầu tư công có phải là giải pháp tối ưu?

- Hiện nay, chúng tôi đang tập trung rất nhiều việc trong tái cơ cấu đầu tư công. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chúng ta sẽ công khai, minh bạch. Chẳng hạn tổng số trong 3 năm tới là từng này, 5 năm tới là từng này, của các địa phương cộng vào là từng này và cần sử dụng nó một cách khoa học. Các Bộ trưởng, các Chủ tịch UBND địa phương biết tổng số vốn mình có trong một nhiệm kỳ của mình thì sử dụng cho hiệu quả, không bố trí dàn trải. Chúng tôi sẽ giám sát theo chỉ đạo của Chính phủ và của Quốc hội.

Thứ hai, phải nhanh chóng mở ra một nguồn lực khác, đó là huy động các nguồn lực từ tư nhân và các thành phần kinh tế khác. Đấy là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng đầy khó khăn. Chúng tôi đã và đang tích cực hoàn thiện những nghị định, sửa đổi Nghị định 108 hướng dẫn về đầu tư trong đó có hình thức BOT, BT, BTO v.v… Những hình thức này mặc dù vừa qua đã được áp dụng nhưng hiệu quả chưa cao, chưa như mong muốn…

Thứ ba, chúng tôi kêu gọi được Ngân hàng phát triển châu Á sẽ dự kiến tài trợ 20 triệu USD để làm quỹ hỗ trợ cho việc thử nghiệm xây dựng các đề án, cơ chế chính sách trong việc này và AFD - cơ quan phát triển Pháp sẽ dự kiến tài trợ cho quỹ này 8 triệu EUR nữa. Song hành, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 71 năm 2010 về quy chế thí điểm thực hiện PPP (mô hình hợp tác công- tư - PV) để tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý, nhanh chóng tạo sự hấp dẫn và minh bạch, rõ ràng.

Phải có người chịu trách nhiệm chính, có quyền kiểm soát, thanh tra…

Trong khi nhiều công trình, dự án đang khát vốn thì lại có tình trạng đầu tư dàn trải. Giải quyết vấn đề này, Bộ KH-ĐT cũng đã làm quyết liệt nhưng phải chăng là chưa triệt để?

- Nói như vậy tôi thấy hoàn toàn đúng. Bởi vì căn cơ của vấn đề dàn trải là rất sâu xa. Theo tôi, địa phương cũng đang chịu áp lực rất lớn, 63 tỉnh, thành phải phát triển kinh tế - xã hội trong khi điều kiện mỗi địa phương rất khác nhau, thu thuế rất ít cho nên mọi người đều phải làm hết sức mình, trong khi đó nguồn lực của mình không đáp ứng được nên dẫn đến dàn trải. Vậy, có nhiều vấn đề phải xử lý.

Vấn đề về tư duy kinh tế, nếu không triệt để được vấn đề này thì địa phương nào cũng muốn có cả, địa phương nào cũng muốn có khu công nghiệp. Có Bí thư trao đổi với tôi là nếu tôi không làm mà tất cả lại nhường cho ông bên cạnh làm khu công nghiệp, khu kinh tế thì ông ấy thu ngân sách, tôi làm bán nguyên liệu cho ông ấy thì tôi lại bị chê trách không hoàn thành nhiệm vụ, dân nghèo, thu ngân sách không được, cơ cấu không chuyển dịch được.

Thế nên ông ta làm tôi cũng phải làm, phải cạnh tranh. Tôi nghĩ họ nói đúng, đấy là trách nhiệm Đảng, Nhà nước giao cho và có luật hẳn hoi nên họ cố gắng làm. Những vấn đề sâu xa như vậy cần đổi mới tư duy kinh tế sâu hơn rất nhiều

Tuy nhiên, chúng ta không thể làm mọi việc trong một lúc được mà chúng ta phải làm dần.

Ảnh minh họa

Đầu tư dàn trải sẽ dẫn đến lãng phí, trong đó có đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này có phải do chưa rõ trách nhiệm quản lý, thưa Bộ trưởng?

- Vấn đề này, tôi cũng thấy rất xót xa và rất trăn trở. Chúng tôi thấy dẫu luật này, luật kia chưa thật hoàn thiện, mỗi một kỳ chúng ta nhìn nhận vấn đề khác nhau, nhưng về cơ bản hệ thống pháp luật đã rõ, kể cả  trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Những sai phạm vừa rồi phần lớn liên quan tới bản chất con người. Người ta biết luật pháp luật thế, nhưng người ta cố tình làm như vậy. Tôi nghĩ ngoài vấn đề hoàn thiện thể chế thì quan tâm đến phẩm chất đội ngũ cán bộ, những người trực tiếp đụng chạm đến tiền, hàng là vấn đề rất quan trọng. Cố tình vi phạm thì pháp luật phải xử lý.

Vấn đề tiếp theo là Chính phủ đang quyết tâm làm sao để làm rõ đại diện chủ sở hữu ở doanh nghiệp là ai, dự kiến là bộ chủ quản chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm quản lý toàn diện về các doanh nghiệp thuộc bộ mình quản lý. Đấy là định hướng mà hiện nay Chính phủ đang thảo luận. Quan trọng là phải có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, phải có quyền kiểm soát, quyền thanh tra, quyền làm tất cả mọi việc đối với doanh nghiệp và thường xuyên phải báo cáo, xin ý kiến chứ không phải là tiền của Nhà nước lại tiêu giống như tiền của doanh nghiệp tư nhân.

Chưa đủ chế tài quản lý.

Một trong những bất cập trong đầu tư công hiện nay có phải do phân cấp quá mạnh?

- Vấn đề này còn nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, mặc dù phân cấp nhưng chúng ta chưa có đủ chế tài để quản lý, tức là phân cấp cho các địa phương bố trí tổng vốn như vậy và địa phương có quyền quyết định từ nhóm A cho đến nhóm C, có nghĩa là nhóm lớn nhất cũng vẫn không cần báo cáo ai cả. Quốc hội và Chính phủ chỉ làm những công việc thuộc Nghị quyết 49 thôi. Đó là những công trình từ 35.000 tỷ trở lên thì xem xét còn dưới mức đó đều do các bộ, ngành và các địa phương quyết định hết, cho nên sửa đổi, bổ sung, to hay bé đều do địa phương quyết định hết, trung ương không quản lý việc này. Hai nữa là chưa có chế tài để giám sát việc này một cách chặt chẽ cho nên giao xong thì trong quy định là có báo cáo lại nhưng thực tế Bộ kế hoạch và đầu tư cũng không nhận được nhiều lắm các báo cáo.

Nhưng có quan điểm cho rằng thực chất tất cả các dự án đầu tư đều được quyết định từ trung ương, không phải địa phương quyết định. Đầu tư công là một sản phẩm của cơ chế xin - cho, trong đó cả hai phía xin và cho đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm. Vì thế dẫn đến tình trạng chạy vốn, chạy dự án một cách quyết liệt giữa các địa phương?

- Chỉ thị 1792 đã khắc phục nhiều bất cập. Chẳng hạn quy định địa phương phải hỏi ý kiến trung ương xem có thể hỗ trợ cho dự án này được bao nhiêu, thiếu bao nhiêu ngân sách địa phương. Nếu lo được đủ mới ký, nếu không được là không ký, nếu ký mà thất thoát, công trình kéo dài thì người ký quyết định phải chịu trách nhiệm kể cả về mặt pháp luật.

Hai, sẽ giao tổng cục và giao luôn cho cả 5 năm, tới nay sẽ làm kế hoạch 5 năm, trước mắt làm luôn 3 năm 2013 - 2015 sẽ giao luôn tất cả số vốn trung ương có thể có cho địa phương. Vậy các địa phương sẽ biết trong 3 hoặc 5 năm tới tổng số vốn mình có từng này, cộng với với nguồn của địa phương mình thì mình có bao nhiêu? Như vậy anh chọn cái gì làm và phải làm tập trung. Như vậy 3 năm hoặc 5 năm liền giao một cục luôn và khi giao một cục thì cũng không có chạy.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!                                                         

Bình An (ghi)

Đọc thêm