Tiếng Anh không còn là môn thi tốt nghiệp bắt buộc, 'cư dân mạng' nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn nhận được nhiều ý kiến ủng hộ vì giảm áp lực cho thí sinh, gọn nhẹ trong tổ chức. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số ý kiến cho rằng tiếng Anh là môn thi tự chọn là chưa phù hợp.
Thí sinh Hà Nội tham dự môn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Minh Trang
Thí sinh Hà Nội tham dự môn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Minh Trang

Chiều 29/11, Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn thi, trong đó có 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và hai môn lựa chọn (từ các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Theo công bố kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT trước đó, phương án thi 4 môn này được nhiều ý kiến ủng hộ vì giảm áp lực cho thí sinh, gọn nhẹ trong tổ chức.

Trên diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đồng tình, ủng hộ phương án thi này. Tài khoản có tên H.T.P chia sẻ: "Tiếng Anh là điều kiện cần thôi, hợp lý khi không lựa chọn là môn bắt buộc. Mỗi học sinh đều có thế mạnh để được phát huy môn học sở trường và yêu thích".

Đồng tình quan điểm trên, một độc giả giấu tên bày tỏ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ thi 2 môn bắt buộc. Cảm ơn Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến của các bậc phụ huynh. Hãy tập trung phát triển đất nước giàu bản sắc hơn nữa qua môn Văn. Làm thế nào để tiếng Việt được yêu thích trên thế giới chứ không phải tiếng Anh".

"Đây là phương án tối ưu nhất, cân bằng cả việc học lẫn nhu cầu của học sinh và gia đình. Phương án này cũng chấm dứt luôn sự "bành trướng" của môn ngoại ngữ tại các địa phương hiện nay khi có những học sinh lựa chọn ngành nghề không liên quan đến ngoại ngữ hoặc chọn đi học nghề. Phương án giảm tải cho cả học sinh và gia đình. Tôi ủng hộ", một độc giả khác nêu.

Bên cạnh những quan điểm đồng tình, một số quan điểm khác băn khoăn khi tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc.

Độc giả N.C bày tỏ quan điểm: "Tôi thì không ủng hộ việc để môn ngoại ngữ là lựa chọn chứ không phải bắt buộc. Đất nước ngày càng hội nhập thì việc đào tạo ngoại ngữ là cái đầu tiên cần làm. Nếu không là môn bắt buộc các trường, các em học sinh sẽ không chú trọng học ngoại ngữ dẫn đến chúng ta khó hội nhập được".

"Dù có thi tiếng Anh hay không, tri thức thế giới vẫn ở nơi nói tiếng Anh. Dù có muốn hay không, công việc, xu hướng vẫn ở nơi nói tiếng Anh. Dù cho các bạn trẻ không lựa chọn thi tiếng Anh, nhưng để hội nhập thì các bạn cần tiếng Anh. Biết 1 thứ tiếng sẽ thiệt thòi, sau này cố gắng rất khổ", cư dân mạng Đ.T.D viết.

Tài khoản có tên P.T.L cho rằng: "Nếu đã đặt mục tiêu tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, chứ không phải ngoại ngữ, thì phải đẩy mạnh môn tiếng Anh. Thời gian qua chúng ta đã cải thiện rất nhiều nhưng chưa được như mong đợi. Tôi nghĩ nên giữ thi tiếng Anh và giảm khối lượng chương trình học sẽ hiệu quả hơn".

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến về ba phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ở cả 3 phương án, học sinh đều sẽ thi 2 môn trong số các môn lựa chọn nhưng khác nhau ở số môn thi trong nhóm các môn học bắt buộc.

Phương án 1 (4+2), học sinh sẽ thi 6 môn, gồm cả 4 môn học bắt buộc và hai môn lựa chọn.

Phương án 2 (3+2), học sinh sẽ thi 5 môn, gồm ba môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và hai môn lựa chọn.

Phương án 3 (2+2), học sinh sẽ thi 4 môn, gồm hai môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và hai môn lựa chọn.

Đọc thêm