Tiếp bài “Giật mình trước nguy cơ “vỡ trận” nhập khẩu cá tầm vào Việt Nam:

“NẾU CẠNH TRANH LÀNH MẠNH, CÁ TẦM TRONG NƯỚC HOÀN TOÀN ĐÁP ỨNG ĐƯỢC NHU CẦU THỊ TRƯỜNG“
Người nuôi cá tầm Lào Cai lao đao vì cá tầm nhập lậu Trung Quốc tràn vào thị trường.
Người nuôi cá tầm Lào Cai lao đao vì cá tầm nhập lậu Trung Quốc tràn vào thị trường.

Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai khẳng định, thời gian gần đây có tình trạng cá tầm được nhập khẩu vào Việt Nam không nằm trong danh mục được phép kinh doanh theo quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành". Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai để hiểu rõ thêm về vấn đề này.

PV: Được biết mới đây Hiệp hội phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng và Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai có văn bản kiến nghị gửi tới các Bộ, ngành chức năng đề nghị tăng cường kiểm soát cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì sao các Hiệp hội phải “kêu cứu” như vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Do ảnh hưởng của Covid- 19 nên từ đầu năm đến nay  cá tầm tại các trang trại của Việt Nam không tiêu thụ được, sản lượng đang tồn dư trong các trang trại là rất lớn. Việc cá tầm từ Trung Quốc ào ạt nhập vào Việt Nam với giá thấp đang dẫn đến cá tầm nuôi tại các trang trại trong nước không tiêu thụ được. Những doanh nghiệp và hộ nông dân nuôi cá tầm đang gặp rất nhiều khó khăn do cá không bán được trong khi đó chi phí thức ăn, con giống, nhân công vẫn tiếp tục phải chi trả, thêm nữa là kích cỡ cá sẽ vượt qua ngưỡng nhu cầu của thị trường.

PV: Thông thường, một con cá tầm từ lúc bắt đầu gây nuôi đến khi bán ra thị trường mất bao nhiêu thời gian và một con cá cân nặng bao nhiêu thì có thể xuất bán, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Thời gian từ khi gây nuôi đến khi bán 1 con cá tầm ra thị trường thường là khoảng 15 tháng. Cá tầm đạt kích cỡ 1,5 – 2kg là các hộ dân ở Lào Cai đã có thể bán ra thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai
 Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai

PV: Trong công văn, các ông nói rằng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam giá thành rẻ nhưng chất lượng kém, thịt nhão, không ngon như cá tầm nuôi tại Việt Nam. Có chứng cứ gì chứng minh điều đó không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Cá tầm nuôi tại Việt Nam hiện nay chủ yếu gồm 4 loài: Cá tầm Xibêri (Acipenser baerii), cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus). Đây đều là những loài  đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ Cơ quan quản lý CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam, hiện đang chiếm phần lớn thị trường, là loài cá tầm lai, không phải cá thuần chủng nên chất lượng không thể theo được cá tầm nuôi trong nước.

PV: Bằng mắt thường người dân có thể phân biệt được đâu là cá tầm Trung Quốc nhập lậu và đâu là cá tầm được nuôi trong nước không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải:  Như tôi đã nói, nếu người có chuyên môn hoặc có kinh nghiệm nuôi cá có thể phân biệt được ngay 4 loại cá tầm được nuôi tại  Việt Nam và loại cá tầm lai nhập lậu. Còn người dân bình thường cũng rất dễ dàng phân biệt được các loại cá tầm này.

Cụ thể, cá tầm do người dân Việt Nam nuôi chỉ tầm 1,5 – 2kg đã được xuất bán, nhìn màu da cá rất tươi. Còn cá tầm lai của Trung Quốc nhập khẩu thường to, từ 4 – 5 kg trở lên.

Về mặt cảm quan nhìn bằng mắt thường, cá tầm lai Trung Quốc dùng nhiều kháng sinh nên có màu đen xì và do vận chuyển đường xa nên mất nhớt, xơ xác, khác hẳn cá tầm nuôi trong nước.

Đây là những con cá tầm được nuôi tại Lào Cai. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, cá tầm trong nước chỉ từ 1,5 - 2kg đã được xuất bán, có màu sắc "khôn mắt" chứ không to và đen xì như cá tầm lai nhập lậu từ Trung Quốc
Đây là những con cá tầm được nuôi tại Lào Cai. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, cá tầm trong nước chỉ từ 1,5 - 2kg đã được xuất bán, có màu sắc "khôn mắt" chứ không to và đen xì như cá tầm lai nhập lậu từ Trung Quốc  

“Chúng tôi thừa khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường”

PV: Lào Cai phát triển nuôi cá tầm từ bao giờ? Hiện có bao nhiêu trang trại nuôi cá tầm và có thể đáp ứng bao nhiêu % nhu cầu cá tầm cho thị trường trong nước, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải:  Năm 2005, Lào Cai là tỉnh đầu tiên tiếp nhận công nghệ nuôi cá tầm từ Nga, sau đó chuyển giao thành công cho Lâm Đồng và một số tỉnh khác. Hiện Lào Cai có trên 200 trang trại nuôi cá nước lạnh, trong đó có những trang trại rất lớn. Một năm, Lào Cai cung cấp cho thị trường trên 1.000 tấn cá tầm. Cả Lào Cai và Lâm Đồng hiện cung cấp khoảng 30 – 40% thị trường cá tầm trong nước.

PV: Lào Cai và Lâm Đồng là 2 tỉnh đi đầu mà chỉ cung cấp được 30-40% lượng cá tầm cho nhu cầu trong nước thì làm sao có thể hạn chế được việc nhập lậu cá tầm?

Ông Nguyễn Thanh Hải:  Lào Cai, Lâm Đồng và các tỉnh khác hoàn toàn có thể đẩy mạnh sản lượng cá tầm, đáp ứng 100% nhu cầu cá tầm của thị trường vì tiềm năng phát triển các trang trại nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam hiện nay là rất lớn. Vấn đề là các trang trại, các hộ nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam đang bị cạnh tranh không lành mạnh từ cá tầm nhập lậu nên không thể phát triển như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết Hiệp hội phát triển cá nước lạnh các tỉnh hoàn toàn có thể hướng dẫn người dân phát triển nghề nuôi cá tầm đáp ứng nhu cầu trong nước
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết Hiệp hội phát triển cá nước lạnh các tỉnh hoàn toàn có thể hướng dẫn người dân phát triển nghề nuôi cá tầm đáp ứng nhu cầu trong nước 

PV: Theo ông, việc ngăn chặn cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam có khó không?

Ông Nguyễn Thanh Hải:  Tôi nghĩ là không khó nếu các cơ quan chức năng vào cuộc thật sự và có trách nhiệm.

Chẳng cần phải căng lực lượng đến từng đường mòn, lối mở, chỉ cần lực lượng chức năng làm nghiêm tại một số đầu nậu cung cấp cá tầm cho thị trường miền Bắc, miền Nam là siết chặt ngay tình trạng nhập lậu cá tầm.

Nhưng chúng tôi cảm giác dường như đang có một sự không rõ ràng, không kiên quyết trong chỉ đạo của các cơ quan chức năng về vấn đề này.

PV: Ngoài việc kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn cá tầm nhập lậu, bản thân Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai và các hộ nuôi cá nước lạnh có định thay đổi gì để nâng cao năng lực cạnh tranh không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải:  Chúng tôi xác định nếu không được các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ để chúng tôi có thể cạnh tranh lành mạnh thì chắc chắn người nuôi cá tầm Việt Nam sẽ thua.

Tuy nhiên, về lâu dài, Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai cũng như các tỉnh đều đã tính đến lộ trình tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng các biện pháp quản lý, khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, sản lượng và hạ giá thành sản phẩm để có thể phát triển và cạnh tranh với thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam,Việt Nam hiện có 7 danh nghiệp được cấp phép nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2020 này, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, ngày 28/01/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chúng mới của Vi rút Corona gây ra, trong đó yêu cầu “cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam” nên Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã lập tức dừng cấp phép nhập khẩu cá tầm và đã có nhiều văn bản gửi cơ quan chức năng thông báo về việc này.

Tuy nhiên, mới đây, Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) lại bắt giữ được lô cá tầm Trung Quốc do Công ty TNHH Đầu tư và XNK An Hưng (Hà Nội) nhập về Việt Nam dưới hình thức nhập chính ngạch nhưng nâng số lượng không khác gì buôn lậu, dấy lên nghi vấn về sự mập mờ trong việc cấp phép CITES nhập khẩu cá tầm về Việt Nam.