Tiếp sức cho người nghèo ở vùng biên vươn lên

(PLVN) - Nhằm giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã huy động các nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp người dân vùng biên an cư lạc nghiệp.
Công tác xóa nhà tạm tại Sốp Cộp luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm thực hiện (Ảnh: CTV).

Sốp Cộp là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La, có gần 125 km đường biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào, với 4 xã, 24 bản biên giới. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình ở bản vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới không có khả năng để tự làm nhà.

Chính vì vậy, công tác xóa nhà tạm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện luôn được các cấp, các ngành từ huyện đến xã đặc biệt quan tâm.

Tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh, huyện Sốp Cộp đã lồng ghép từ các chương trình, huy động các nguồn lực triển khai thực hiện hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, hộ khó khăn về nhà ở, hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, bị ảnh hưởng bởi thiên tai...

Nhiều hộ dân tại xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp được xóa nhà tạm.

Với tinh thần tương thân, tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau, huyện Sốp Cộp đã và đang huy động các nguồn lực triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ từ nguồn đầu tư của Nhà nước và kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng và các tổ chức xã hội, trong đó có việc xây dựng nhà kiên cố thay thế và sửa chữa nhà tạm.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Sốp Cộp có 439 hộ trong diện được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; trong đó, 331 hộ xây mới, 108 hộ sửa chữa, với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, cận nghèo được bình xét, lựa chọn, lập danh sách các hộ được hỗ trợ đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng. Đồng thời, vận động các tổ chức xã hội, các đoàn thể, dòng họ, nhân dân hỗ trợ vật tư, ngày công giúp đỡ các hộ xây dựng nhà ở.

Trong quá trình thực hiện, phát huy cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và hộ gia đình. Tận dụng, khai thác vật liệu tại chỗ, huy động nhân công lao động địa phương để giảm giá thành xây dựng, sửa chữa nhà ở. Kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình hỗ trợ.

Theo lãnh đạo huyện Sốp Cộp, trong năm 2023, huyện đã có 72 hộ được hỗ trợ làm nhà mới với số tiền gần 3 tỷ đồng. Năm 2024, huyện được giao 7,6 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương gần 7,4 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng, hỗ trợ sửa chữa 204 ngôi nhà.

Những ngôi nhà kiên cố đã góp phần tạo động lực giúp các hộ nghèo vươn lên.

Đến nay, đã phân bổ cho xã Sam Kha 25 nhà, Mường Lạn 74 nhà, Púng Bánh 1 nhà, Nậm Lạnh 9 nhà, Mường Và 69 nhà và Mường Lèo 69 nhà. Từ đầu năm đến nay, đã hoàn thành hỗ trợ 62 hộ làm nhà ở. Hiện nay, huyện đang rà soát các hộ đủ điều kiện để tiếp tục đề xuất hỗ trợ.

Mặc dù được Nhà nước quan tâm, song việc xóa nhà tạm tại Sốp Cộp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn kinh phí đối ứng của nhân dân và khả năng duy trì bền vững các kết quả đã đạt được.

Huyện đang tích cực nghiên cứu, lồng ghép những chính sách hỗ trợ dài hạn, kết hợp với việc phát triển kinh tế, tạo việc làm để người dân có thu nhập ổn định và tự nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với đó, xây dựng mô hình kinh tế tự chủ, đào tạo nghề cho người dân, và tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Có an cư mới lạc nghiệp, việc chung tay xóa nhà tạm ở huyện Sốp Cộp trong những năm qua đã tạo động lực, tiếp sức cho người dân nghèo vùng biên vươn lên để phát triển kinh tế gia đình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới. Cũng như hướng tới mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm của huyện Sốp Cộp nói riêng và của tỉnh Sơn La nói chung.

Đọc thêm