Ngày 25/8/2023, Tạp chí Ngân hàng, phối hợp với Trung tâm TTTD quốc gia Việt Nam (CIC) - NHNN, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro”
Hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động TTTD của NHNN do CIC làm đầu mối tổ chức, thực hiện.
Thời gian qua, hoạt động TTTD của CIC đã từng bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc, là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia;
CIC đã xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu TTTD, chủ động xây dựng, cung cấp các báo cáo định kì, đột xuất cho Ban Lãnh đạo và các đơn vị thuộc NHNN. Bên cạnh đó, CIC thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ TTTD cho các TCTD để phục vụ mục đích quản trị rủi ro, quản lí danh mục, đánh giá, tìm kiếm khách hàng…
Trong năm 2022, số lượng báo cáo do CIC cung cấp cho các TCTD tăng trưởng vượt bậc với hơn 77,7 triệu báo cáo, tăng hơn 55% so với cùng kì năm 2021.
Nguồn TTTD nhanh chóng, tin cậy đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của các TCTD, đặc biệt là trong thời đại ngân hàng số hiện nay.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhu cầu trao đổi TTTD xuyên biên giới và chuẩn hóa dữ liệu đòi hỏi ngày càng phải nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD.
Việc nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD đòi hỏi các TCTD thực hiện nghiêm quy chế hoạt động TTTD của NHNN, báo cáo thông tin kịp thời, đảm bảo chất lượng để tiếp tục hoàn thiện và phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia;
Đồng thời, khai thác triệt để nguồn TTTD phục vụ hoạt động kinh doanh nhằm phòng ngừa rủi ro và đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về cấp tín dụng, quản trị rủi ro.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng (ảnh NHNN) |
Chủ trì Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang quyết liệt triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều TCTD đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TTTD của NHNN, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo TTTD của các TCTD, kiên quyết xử lý các TCTD báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác.”- Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đồng thời yêu cầu các TCTD khai thác triệt để các sản phẩm dịch vụ TTTD phục vụ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về cấp tín dụng, quản trị rủi ro.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro; Nâng cao năng lực khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu TTTD, thông tin khách hàng vay vốn từ các TCTD cung cấp cũng như kho dữ liệu của CIC; Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong hoạt động thu thập, xử lí, bảo mật cơ sở dữ liệu TTTD góp phần bảo đảm an toàn hoạt động cấp tín dụng nhằm phát triển bền vững hệ thống các TCTD Việt Nam; Phát triển hạ tầng dữ liệu và phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ nền kinh tế số và tài chính số tại Việt Nam.