*Bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang:Năm thứ 8 liên tục dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính
Năm 2022, Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang đã phát động và triển khai thực hiện phong trào thi đua sâu rộng, toàn diện trên các lĩnh vực công tác từ tỉnh đến cơ sở, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao, như:
Sở Tư pháp đã tham mưu với HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), 2 Đề án và 56 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh; hoàn thành đúng và trước hạn 201/201 nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao đột xuất (đạt 100%); hoàn thành 170/170 nhiệm vụ chủ yếu; 3/3 chỉ tiêu giao thu đều vượt, trong đó thu phí, lệ phí đạt 358,75%, thu thù lao đấu giá tài sản đạt 246,68%, thu phí công chứng, chứng thực và thù lao công chứng đạt 141,98%.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đạt chất lượng cao. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh, số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính năm 2022 tăng 202,8% so với năm 2021; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt 100% (trong đó giải quyết trước hạn đạt 98,99%; đúng hạn đạt 1,01%); là năm thứ 8 Sở Tư pháp liên tục dẫn đầu các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh về chỉ số cải cách hành chính. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực tư pháp được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả…
|
Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, Sở/ngành Tư pháp tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác tư pháp mà Bộ Tư pháp đề ra, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng và hoàn thiện thể chế của chính quyền địa phương; đổi mới và đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; tăng cường quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính, luật sư, tư vấn pháp luật; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp có kiểm soát; thực hiện có hiệu quả Đề án 06; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc cho đội ngũ công chức, viên chức toàn ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính.
*Ông Phạm Văn Dũng, Cục trưởng Cục THADS thành phố Hà Nội: Sâu sát, quyết liệt, bám sát từng địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách
Trong năm 2022, công tác THADS của Cục THADS thành phố Hà Nội và các Chi cục trực thuộc đã có chuyển biến tích cực. Cục đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tổng thể, linh hoạt, phù hợp để chỉ đạo các phòng chuyên môn, các Chi cục bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, triển khai kế hoạch công tác, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo, lãnh đạo hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, về việc đạt 81,66%, tăng 12,16% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,16% so với chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao. Về tiền đạt tỉ lệ 42,3%, tăng 18,39% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 2,2% so với chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao.
|
Năm 2023, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi THAHC, bên cạnh các giải pháp về chuyên môn, tập thể công chức cơ quan THADS thành phố Hà Nội xác định việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật là một trong những giải pháp quan trọng. Lãnh đạo Cục, các phòng chuyên môn, Chi cục trực thuộc tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ; nghiêm túc quán triệt, triển khai đến toàn thể đảng viên, công chức, người lao động nội dung Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư.
Lãnh đạo các đơn vị cần kiểm soát chặt chẽ, khoa học, sâu sát, quyết liệt, bám sát từng địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp. Nâng cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, gắn trách nhiệm với công tác chỉ đạo, điều hành. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp công vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; gây khó khăn, phiền hà, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu đối với tổ chức, công dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ công vụ.
*Ông Phạm Tuân – Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng: Đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa trong hoạt động tư pháp
Năm 2022, cùng với sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực quyết tâm của tập thể công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp, Sở đã đạt được những thành tích ấn tượng. Theo đánh giá của Bộ, Sở Tư pháp Sóc Trăng xếp loại xuất sắc, đứng thứ nhất trong 63 Sở Tư pháp các tỉnh thành trong cả nước và được suy tôn nhận Cờ thi đua của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, Sở đã thực hiện tốt nhiệm vụ “gác cửa” và chú trọng xây dựng, thẩm định, ban hành VBQPPL. Theo đó, Sở đã thẩm định 1 đề nghị xây dựng văn bản có nội dung chính sách và 63 văn bản quy phạm khác, tăng 10 văn bản so với năm 2021. Các sở, ngành trong tỉnh đều tuân thủ hình thức, nội dung, chất lượng để khi được ban hành đưa vào thực tiễn sẽ giúp doanh nghiệp, người dân tìm hiểu và dễ dàng ứng dụng vào thực tiễn.
|
Đặc biệt, năm 2022, Sở đã đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa trong hoạt động quản lý tư pháp. Sóc Trăng là địa phương còn khó khăn về ngân sách nhưng được sự tin tưởng, quan tâm của UBND tỉnh đã chỉ đạo phân bổ kinh phí triển khai thực hiện nội dung số hóa, chuyển đổi số ứng dụng trong hoạt động thông tin của ngành. Xây dựng, đưa vào sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu về xử lí vi phạm hành chính; Thực hiện chủ trương Số hóa sổ hộ tịch; vận hành, phát huy hiệu quả hệ thống quản lý công chứng, chứng thực, dần đi vào nề nếp, phục vụ đắc lực việc quản lý, tránh rủi ro cho công chứng viên.
Ngoài ra, Sở còn đổi mới phương thức, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL. Điểm nhấn là tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về những lĩnh vực pháp luật người dân quan tâm thu hút đông đảo người dân tham gia.
Ông Lường Văn Sương, Cục trưởng Cục THADS Điện Biên: Duy trì, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành
Trong năm 2022, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ, ngành, địa phương; đổi mới phương thức tổ chức, đề ra các giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình trong từng thời điểm, sát với kế hoạch công tác; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thực hiện các nhiệm vụ. Công tác theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án lớn, vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo giải quyết.
Trong năm, tổng số việc có điều kiện thi hành, các cơ quan THADS hai cấp trong tỉnh đã tổ chức thi hành xong 2.620 việc, đạt tỷ lệ 87,42% về việc (vượt 4,42% chỉ tiêu được giao); về tiền, trong tổng số tiền có điều kiện thi hành, các cơ quan THADS hai cấp trong tỉnh đã tổ chức thi hành xong: 76.425.528.000 đồng, đạt tỷ lệ 67,84% về tiền (vượt 25,74% chỉ tiêu được giao).
|
Thời gian tới, tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác THADS, theo dõi THAHC theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp đối với công tác THADS, theo dõi THAHC, đảm bảo phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho hoạt động tổ chức thi hành án tại địa phương; duy trì nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong THADS; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức; duy trì thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác THADS, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp…
*Ông Cù Đức Thuận - Giám đốc Sở Tư pháp Nam Định: Nỗ lực để khẳng định vị thế của ngành
Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về các công tác tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Nam Định luôn không ngừng đổi mới toàn diện, nâng cao về chất và lượng. Trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo và quan tâm sâu sắc của Bộ Tư pháp cũng như lãnh đạo địa phương, ngành Tư pháp tỉnh Nam Định đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương.
Cụ thể, Sở Tư pháp tỉnh Nam Định đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành 91 kế hoạch, văn bản và tự ban hành 58 kế hoạch, 1.665 văn bản khác để chỉ đạo, triển khai thực hiện về các lĩnh vực công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thẩm định 53 VBQPPL, tham gia ý kiến 60 văn bản QPPL của Trung ương và của tỉnh; giúp UBND tỉnh tự kiểm tra định kỳ 38 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành; kiểm tra theo thẩm quyền 20 văn bản QPPL của các huyện, thành phố. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công bố Danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực 1 phần năm 2021 với 49 văn bản.
|
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật có nhiều khởi sắc; Hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/2012 - 9/11/2022), Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh Nam Định, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức thành công Lễ Mít tinh chào mừng cùng hoạt động ra quân làm sạch môi trường biển, đã thực sự là những chương trình ý nghĩa, gây tiếng vang và nhận về sự ủng hộ của đông đảo quần chúng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; Công tác hành chính tư pháp cũng được triển khai hiệu quả; Sở đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được nhằm nâng cao chất lượng thực hiện Đề án 06;
Sở cũng chú trọng đến công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, bồi chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho các công chức, viên chức, cán bộ tư pháp - hộ tịch; chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư pháp, triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đối với các dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực phụ trách.
Với những kết quả đạt được, tôi tin rằng, với sự đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng, toàn ngành sẽ thực hiện được thắng lợi được nhiều nhiệm vụ hơn nữa.