Cùng tham dự có bà Thekla Ebbert - Điều phối viên dự án khu vực Đông Nam Á và Đông Á (Dự án FNF); ông Tobias Oelsner - Chánh án Tòa án khu vực Berlin, CHLB Đức; ông Konrad Greilich - Nhà Đồng lập và Giám đốc điều hành Công ty Visionary Berlin GmbH, CHLB Đức
khơi thông nguồn lực là các quyền sở hữu trí tuệ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trong thời gian qua, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện khung pháp lý trong nước và quốc tế, nhất là gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ đã có bước phát triển đáng kể. Qua đó tạo cơ sở pháp lý và niềm tin cho việc thúc đẩy, khai thác hiệu quả các thành quả của khoa học, công nghệ, của quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn có bảo đảm từ chính quyền sở hữu trí tuệ để khai thác hiệu quả các quyền này phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc. |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từ đó đặt ra yêu cầu phải thành công trong khuyến khích được sự đổi mới, sáng tạo của tất cả người dân, doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực, bao gồm nguồn lực là các quyền sở hữu trí tuệ phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Với mục tiêu đó, Thứ trưởng hy vọng Hội thảo sẽ là cơ hội để đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cùng các chuyên gia của CHLB Đức cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ thực tiễn Việt Nam và CHLB Đức trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Thứ trưởng tin tưởng rằng thông qua Hội thảo, nhiều vấn đề pháp lý và thực tiễn sẽ được nhận diện rõ nét hơn, đầy đủ để Bộ Tư pháp có tham mưu phù hợp trong thời gian tới.
Bà Vanessa Steinmetz, Giám đốc quốc gia FNF Việt Nam phát biểu. |
Còn bà Vanessa Steinmetz nhấn mạnh, tài sản trí tuệ hay quyền sở hữu trí tuệ là một trong những động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển hiệu quả của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. CHLB Đức là một trong những quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng khung pháp lý và cơ chế thực thi hiệu quả, bảo đảm các quyền tài sản trí tuệ. Viện FNF Việt Nam nói riêng và CHLB Đức nói chung sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đồng thời sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp Việt Nam, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong thời gian tới.
Đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm
Báo cáo dẫn đề Hội thảo, bà Nguyễn Quang Hương Trà, Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã giới thiệu khái quát về pháp luật hiện hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản trí tuệ ở Việt Nam như Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự… Trên cơ sở đó, bà nêu ra một số vấn đề pháp lý đặt ra trong lĩnh vực này như việc ghi nhận, công nhận về sở hữu, giao dịch đối với tài sản trí tuệ; mô tả, định giá tài sản trí tuệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm dùng tài sản trí tuệ;…
Bà Nguyễn Quang Hương Trà, Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp báo cáo dẫn đề. |
Từ bối cảnh, thực tiễn pháp luật Việt Nam, bà mong muốn được trao đổi, chia sẻ thêm về một số kinh nghiệm từ thực tiễn của CHLB Đức hoặc của thế giới về một số nội dung như: Thực tiễn quản lý nhà nước liên quan tại CHLB Đức về sở hữu, giao dịch đối với tài sản trí tuệ; quy định pháp luật tại CHLB Đức về tài sản trí tuệ; kinh nghiệm của CHLB Đức hoặc thực tiễn quốc tế về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản trí tuệ…
Chia sẻ xu hướng phát triển của một số quốc gia trên thế giới về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ, TS.Nguyễn Bích Thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc sử dụng tài sản trí tuệ trong các giao dịch tài trợ vốn có xu hướng gia tăng, với hình thức ngày một đa dạng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số dựa chủ yếu vào các thành tựu đổi mới sáng tạo về khoa học và công nghệ. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và cơ quan sở hữu trí tuệ các quốc gia cũng đóng vai trò ngày càng chủ động trong việc hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy việc sử dụng tài sản trí tuệ trong các giao dịch bảo đảm. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong định giá tài sản trí tuệ nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch cho vay có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ cũng ngày càng phổ biến.
Từ xu hướng phát triển trên, bà khuyến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, tiến tới xây dựng Luật về giao dịch bảo đảm, chú trọng quy chế pháp lý riêng về giao dịch bảo đảm bằng động sản, trong đó có tài sản trí tuệ, theo hướng tiếp cận hiện đại của UNCITRAL. Đồng thời tăng cường vai trò của cơ quan sở hữu trí tuệ trong việc xây dựng hệ sinh thái tài chính sở hữu trí tuệ, phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng chiến lược, chính sách, quy định về tài trợ vốn dựa trên giá trí tài sản trí tuệ…
Một số hình ảnh:
Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Thị Thu Hằng. |
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Lê Hồng. |
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |