Tiếp tục 'mở đường' cho thịt gà chế biến xuất sang EU

(PLO) - Sau lô thịt gà đầu tiên xuất thành công sang Nhật Bản, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang một thị trường được cho là khó tính không kém: thị trường châu Âu (EU).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp EU “để ý” Việt Nam

Theo Bộ NN&PTNT, EU với khoảng 500 triệu dân đang có nhu cầu sử dụng thịt gà nhiều và hiện đang có 3 nước xuất khẩu thịt gà chính vào thị trường EU là: Brazil, Thái Lan và Ucraina. 

Thống kê mới nhất cho thấy, năm 2017 EU có nhu cầu nhập khẩu 950.000 tấn thịt gia cầm, trong đó 85% là ức gà. Riêng Công ty Jan Zandbergen, một đối tác lớn với các nhà xuất khẩu Việt Nam- cho hay: năm 2017 DN này dự kiến sẽ nhập 85.000 tấn gia cầm, thịt lợn, bò (chủ yếu là gia cầm) với doanh thu khoảng 400 triệu Euro. “Hiện 1 tuần Công ty chế biến sâu 250 tấn các sản phẩm của heo, gia cầm và nhập 500 tấn thịt mát từ Ucraina để phân phối cho các siêu thị, nhà hàng” –  ông Gabo, Giám đốc Công ty Jan Zandbergen chia sẻ. 

Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thịt gà sang EU, ông Gabo cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn về xuất khẩu sản phẩm chế biến sẵn sang EU – những sản phẩm này công ty ông hiện đang nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan. 

Tuy nhiên, chủ DN này than phiền rằng, hiện Thái Lan đang bị giới hạn bởi một hạn mức quota và sản lượng nằm trong quota đóng thuế nhập khẩu là 8%, nếu vượt thì phải đóng mức thuế cao hơn. Quy định này cũng áp dụng tương tự đối với Brazil và Ucraina. Trong khi đó, khi Hiệp định FTA Việt Nam – EU có hiệu lực, theo lộ trình, thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0% và quan trọng hơn EU sẽ không bị áp dụng hạn mức quota đối với sản phẩm thịt gà của Việt Nam. Vì thế, ông Gabo cho rằng, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gà chế biến đi EU được thì sẽ tốt hơn xuất ức đông lạnh.  

Vấn đề an toàn thực phẩm

Tuy nhiên, theo một số DN, để Việt Nam xuất khẩu được thịt gà vào EU thì các nhà xuất khẩu trong nước phải đáp ứng các thủ tục: về thú y, nhất là những quy định về an toàn sản phẩm, thú y tại các trại nuôi, cơ sở giết mổ; truy suất nguồn gốc từ chăn nuôi, giết mổ; thực hiện các quy định của OIE trong truy suất và giám sát dịch bệnh; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Việt Nam đã có Luật Thú y và 13 văn bản hướng dẫn dưới Luật và năng lực chẩn đoán, xét nghiệm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của các nước, trong đó có thị trường khó tính như Nhật Bản. Tuy nhiên, để cơ hội xuất khẩu thịt gà chế biến sang EU sớm thành hiện thực, ông Đông đề xuất Công ty Jan Zandbergen hoặc các đối tác của công ty xem xét đầu tư, liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến đảm bảo theo tiêu chuẩn của EU.  

Đánh giá về cơ hội xuất khẩu sang thị trường khó tính này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Việt Nam vừa xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản. Đây là lô thịt gà được sản xuất từ chuỗi liên kết sạch và đã vượt qua hàng loạt rào cản kiểm soát khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm để được Nhật Bản chấp nhận. Với thành công bước đầu này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT mong muốn với sự quan tâm và hợp tác từ phía Công ty Jan Zandbergen, trong thời gian tới Việt Nam sẽ có nhiều chuỗi xuất khẩu thịt gà sang EU và các thị trường khó tính khác.

Đọc thêm