Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Bộ, ngành Tư pháp

(PLVN) -Khép lại năm 2021 Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Tư pháp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2022, Vụ tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả những những nhiệm vụ của Vụ, trong đó có việc tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước…
Chất lượng nguồn nhân lực của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được nâng cao, ảnh MH.
Chất lượng nguồn nhân lực của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được nâng cao, ảnh MH.

Tham mưu kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Vụ TCCB) Phan Thị Hồng Hà, năm 2021, Vụ TCCB đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao với khối lượng công việc tăng khoảng 20% so với năm 2020 và khoảng 30% so với Kế hoạch năm 2021. Trong đó, nhiều mặt công tác đã đạt được những kết quả rõ nét.

Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ được triển khai bài bản, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của Bộ, ngành. Cụ thể, Vụ TCCB và các đơn vị thuộc Bộ đã xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ 14 đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ: kiện toàn tổ chức bộ máy 3 Trường Cao đẳng Luật; dự thảo Đề án thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật và đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và Dự thảo Đề án thành lập “Trung tâm ngoại ngữ - tin học” của Trường Cao đẳng Luật Miền Nam; góp ý, thẩm định Đề án về sắp xếp đổi mới Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự; Đề án xây dựng Viện Khoa học pháp lý thành Viện nghiên cứu chiến lược của Bộ, ngành Tư pháp; Đề án thành lập Trung tâm Mạng xã hội pháp luật Việt Nam…

Việc theo dõi, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp địa phương có sự đổi mới, quyết liệt, sát sao hơn. Công tác quản lý cán bộ tiếp tục được tăng cường, thực hiện chặt chẽ, nền nếp, đề cao đạo đức công chức và văn hóa công vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục bám sát yêu cầu của vị trí việc làm, chú trọng xây dựng và hình thành đội ngũ chuyên gia trong một số lĩnh vực công tác trọng yếu của Bộ, ngành Tư pháp…

Trong năm 2021, Vụ đã tham mưu thực hiện thủ tục chọn, cử 339 lượt công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước; 8 công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài… Vụ cũng đã hoàn thành việc tổ chức 4 lớp bồi dưỡng theo kế hoạch công tác năm 2021: Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về công tác tổ chức cán bộ; lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng phân tích chi phí lợi ích trong xây dựng chính sách cho công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, Vụ TCCB cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng trong việc thực hiện các đề án trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng: Đề án “Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân năm 2008 – 2020”; Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030”…

Nhờ những nỗ lực trên, trong năm 2021, tập thể Vụ Tổ chức Cán bộ đạt được nhiều danh hiệu, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Danh hiệu “Cờ thi đua ngành Tư pháp”; “Tập thể lao động xuất sắc”, Bằng khen của Bộ trưởng. Ngoài ra, tập thể Vụ cũng nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân của Vụ cũng nhận được Bằng khen của Bộ trưởng, danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2021”.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trọng dụng nhân tài

Trong năm 2022, Vụ TCCB đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tiếp tục tham mưu với Lãnh đạo Bộ hoàn thiện thể chế, đề án, văn bản về kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng; Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; có cơ chế lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, Vụ cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục tham mưu với Lãnh đạo Bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác quản lý nhà nước về thanh niên của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn mới phù hợp với yêu cầu của Chính phủ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và thúc đẩy bình đẳng giới, sự phát triển của thanh niên nói chung.

Tham mưu các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp… Đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2022 và xây dựng dự kiến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2023; Tham mưu chọn, cử và quản lý công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quốc phòng – an ninh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, kiến thức hội nhập quốc tế ở trong nước và nước ngoài theo thẩm quyền…

Để thực hiện 7 mục tiêu trọng tâm trên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà cho biết Vụ sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để kịp thời nắm bắt chủ trương, định hướng và tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức bộ máy, cán bộ để tham mưu với Lãnh đạo Bộ xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thống nhất các quy định về tổ chức cán bộ trong toàn ngành. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi các cơ quan tư pháp địa phương, đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, đề án, quy định của Bộ về công tác tổ chức xây dựng ngành.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, kiểm tra các đơn vị trong việc tổ chức thực hiện công tác tổ chức, cán bộ. Chủ động nắm bắt tình hình các đơn vị để kịp thời phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn, yếu kém, vi phạm để tham mưu với Lãnh đạo Bộ có giải pháp xử lý kịp thời…

Trước đó, tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2022 của Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh năm 2022, Vụ TCCB cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các đề án đang thực hiện. Cụ thể, tham mưu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 96/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Nghị định mới thay thế Nghị định 96 sẽ có quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị thuộc Bộ.

Bên cạnh đó, Vụ TCCB cần xây dựng các đề án vị trí việc làm, bản mô tả và khung năng lực vị trí khi có Nghị định mới. Sắp xếp đội ngũ cán, bộ công chức sau khi có Nghị định sau Nghị định 96; Tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác của Bộ; Tiếp tục tham mưu, rà soát, kiện toàn lãnh đạo các đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác của các đơn vị thuộc Bộ. Triển khai và thực hiện ngay từ đầu quy định về công tác quy hoạch cán bộ…

Tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2022 của Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Đảng - Đoàn thể,Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao những kết quả mà Vụ TCCB đã đạt được trong năm 2021. Thứ trưởng kỳ vọng trong năm 2022, Vụ TCCB tiếp tục đạt được nhiều thành tích hơn trong các công tác xây dựng văn bản, đề án; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Đọc thêm