Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương và đông đảo hội viên.
Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan trong và ngoài nước
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh việc thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam tuy muộn nhưng đã cho thấy sự bắt nhịp với xu hướng phát triển của các hội Luật quốc tế của nhiều nước, khu vực trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói khoa học - pháp lý của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học pháp lý quốc tế nói chung vì mục tiêu hòa bình, công lý, hữu nghị và phát triển của đất nước và cộng đồng quốc tế. Sự ra đời của Hội đã đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng đông đảo của giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế Việt Nam nói riêng và của đất nước nói chung phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo Đại hội. |
Qua đó, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp của Hội đối với phát triển luật quốc tế của Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt, thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều thay đổi khó lường, căng thẳng địa – chính trị, tranh chấp thương mại ngày càng tăng lên, cùng với sự phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, Hội Luật quốc tế Việt Nam đã phấn đấu, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, Hội đã hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực hoạt động của mình; đã khẳng định và nâng cao uy tín, vị thế của Hội trong các vấn đề pháp lý quốc tế; góp phần vào việc phát triển khoa học pháp lý quốc tế tại Việt Nam thông qua việc xuất bản ấn phẩm đầu tiên của Hội về “Luật quốc tế và những vấn đề thực tại Việt Nam”.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động nghiên cứu, toạ đàm, Hội không chỉ giúp các thế hệ sinh viên trẻ Việt Nam có cơ hội cọ xát, nâng cao kỹ năng tranh tụng tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế mà còn là bước góp phần bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ luật gia, luật sư quốc tế của Việt Nam am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, cũng như khả năng làm việc trong môi trường quốc tế cho giai đoạn hội nhập quốc tế sắp tới; từng bước đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.
Bảo đảm quyền và lợi ích trước hết của Việt Nam
Nhân dịp Đại hội lần thứ II của Hội Luật quốc tế, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình mong muốn Hội Luật quốc tế Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực hoạt động của mình, đóng góp thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước, bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như hòa mình vào sự phát triển chung của cộng đồng pháp luật quốc tế.
Chủ tịch Hội, ĐS.TS Nguyễn Bá Sơn báo cáo tại Đại hội. |
Phó Thủ tướng đề nghị Hội cần làm tốt một số nhiệm vụ, cụ thể là lan tỏa ý thức và hiểu biết về pháp luật quốc tế trong các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và tích cực tham gia xây dựng quan điểm của Việt Nam tại các thiết chế pháp lý quốc tế thông qua những hội viên và các hoạt động khoa học của Hội; tham gia sâu hơn vào các hoạt động xây dựng chính sách, đường lối phát triển của đất nước để đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và xu hướng phát triển của nền pháp lý quốc tế; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình trong các vấn đề quốc tế, nhất là tại các cơ quan tài phán quốc tế.
Báo cáo tại Đại hội, Chủ tịch Hội, ĐS. TS Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh Hội Luật quốc tế Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam đã hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực Luật quốc tế, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, nhằm mục đích phát triển khoa học pháp lý quốc tế. Hội Luật quốc tế Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước, theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, tự quản, tự đảm bảo kinh phí và không vì mục đích lợi nhuận.
Ban Chấp hành nhiệm kỳ II ra mắt tại Đại hội. |
Qua bốn năm hoạt động của nhiệm kỳ đầu tiên, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thử thách nhưng Hội Luật quốc tế Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động phong phú nhằm kết nối Hội viên, trao đổi kiến thức học thuật và trau dồi kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau của luật quốc tế. Đồng thời với sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, VSIL cũng đã tiến hành một số hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước Việt Nam. Những hoạt động của Hội đã đạt được một số kết quả ban đầu tích cực, được hội viên và dư luận đánh giá tốt.
Trong nhiệm kỳ II (2020 – 2025), Hội sẽ tập trung hoàn thiện tổ chức nhằm tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của Hội; tăng cường công tác phát triển hội viên cả về số lượng và chất lượng; tập trung thực hiện các hoạt động chuyên môn lớn; chú trọng công tác đào tạo đội ngũ các chuyên gia luật quốc tế trẻ của đất nước…
Đại hội đã bầu 19 thành viên vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ II (2020 – 2025).