Từng bước khắc phục tình trạng “hụt hẫng“ cán bộ lãnh đạo
Tổng cục THADS cho biết, công tác xây dựng biên chế luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của Hệ thống THADS để kịp thời bổ sung, tăng cường công chức, viên chức cho các đơn vị thuộc Tổng cục và các cơ quan THADS địa phương.
Thực hiện quyết định giao biên chế năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao biên chế công chức hành chính nhà nước đối với hệ thống tổ chức cơ quan THADS, toàn hệ thống THADS được phân bổ 9.288 biên chế (trong đó, Tổng cục THADS 175 biên chế; các cơ quan THADS địa phương 9.143 biên chế). Giảm 200 biên chế so với năm 2018 (2,1%, đảm bảo lộ trình giảm 10% biên chế đến năm 2021). Tính đến ngày 31/3/2019 đã thực hiện được 9.151 biên chế công chức hành chính (trong đó tại Tổng cục THADS đã thực hiện 156 biên chế, các cơ quan THADS địa phương đã thực hiện 8.995 biên chế).
Tổng cục THADS đã thực hiện rà soát tổng thể, đánh giá tình hình thực hiện biên chế của các cơ quan THADS địa phương dựa trên các tiêu chí về vị trí việc làm, số lượng việc và tiền phải thi hành án của các cơ quan THADS địa phương, số đơn vị hành chính cấp huyện và điều kiện về địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội đã phân bổ biên chế. Bên cạnh đó, Tổng cục THADS thường rà soát, tiếp nhận công chức các cơ THADS địa phương trên toàn quốc về công tác tại Tổng cục THADS để bổ sung đủ biên chế được giao, đáp ứng nhu cầu công việc.
Trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, Tổng cục THADS luôn chú trọng đến việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ, mạnh dạn quy hoạch những cán bộ trẻ có phẩm chất, có trình độ, năng lực và triển vọng phát triển vào các vị trí Lãnh đạo Tổng cục, cấp Vụ thuộc Tổng cục, cấp Cục, cấp Chi cục, khắc phục từng bước tình trạng “hụt hẫng”, bảo đảm tính liên tục và kế thừa giữa các thế hệ cán bộ; chú trọng đưa vào quy hoạch các cán bộ nữ và người dân tộc để tăng số lượng cán bộ lãnh đạo là nữ, người dân tộc.
Xác định công tác kiện toàn tổ chức cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tổng cục THADS đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và trực tiếp tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, khắc phục hạn chế, yếu kém, làm việc với Lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân của nhiều địa phương để trao đổi, thống nhất về chủ trương kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt các cơ quan THADS trên địa bàn. Về cơ bản đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được kiện toàn, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Công tác nâng ngạch, chuyển ngạch cũng được quan tâm chú trọng. Tính đến ngày 31/3/2019, toàn hệ thống có 4.214 chấp hành viên; 735 thẩm tra viên; 1.689 thư ký, còn lại chuyên viên và các ngạch công chức khác.
Xác định công tác phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đối với công tác THADS, đồng thời là một bộ phận không thể tách rời trong phát triển nguồn nhân lực của đất nước, có tính chiến lược lâu dài và thường xuyên, liên tục, gắn liền với việc bố trí, sử dụng, trên cơ sở các thể chế, quy hoạch và kế hoạch được xây dựng, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được Ngân sách nhà nước phân bổ, tận dụng các nguồn kinh phí khác từ các dự án, đề án, từ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong những năm qua, hệ thống THADS đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Từ đầu năm 2019, Tổng cục THADS đã phối hợp với Học viện Tư pháp và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương
Thời gian tới, Tổng cục THADS cho biết sẽ tập trung ưu tiên các văn bản đề án như: Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy một số cơ quan THADS cấp huyện; Sửa đổi Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành THADS.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác THADS đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, trong đó chú trọng những địa bàn, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện Đề án tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Hệ thống THADS giai đoạn 2019-2022.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu; tiếp tục cải tiến công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ theo hướng sâu sát, cụ thể và xác định rõ trách nhiệm, thời gian hoàn thành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan THADS địa phương; kiên quyết khắc phục và xử lý nghiêm các trường hợp chậm trả lời hoặc chấp hành không đúng ý kiến chỉ đạo của cấp trên; thường xuyên báo cáo về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là tại cơ sở để kịp thời có biện pháp chỉ đạo, giải quyết.
Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi, phối hợp giữa Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Cục THADS với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy, UBND các cấp trong công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức THADS, nhất là những địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức thi hành án, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý và chức danh pháp lý, xây dựng hình ảnh đẹp về người công chức THADS; xử lý nghiêm, kiên quyết thay thế những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm đạo đức, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chính sách cán bộ khác; xây dựng đội ngũ công chức THADS trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nhân rộng tăng cường biệt phái cán bộ, chấp hành viên trong toàn hệ thống.