Tiếp tục tập trung xây dựng 'Trường học hạnh phúc' tại Lạng Giang

(PLVN) - Ngày 16/11, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức tọa đàm xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc" với mục tiêu hướng tới xây dựng 100% trường học không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 67 điểm cầu tại các trường học trên địa bàn huyện với khoảng 2,7 nghìn cán bộ, giáo viên tham gia.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạng Giang cho biết, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện thường xuyên quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Huyện tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường trọng điểm chất lượng cao, kiên cố hóa trường, lớp học và giải quyết tình trạng thiếu lớp học, thiếu giáo viên mầm non.

Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố trong huyện đạt 97,5%, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 29 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, bậc học tiếp tục được củng cố đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng giáo dục toàn diện của huyện duy trì ổn định và có chuyển biến tích cực; giáo dục mũi nhọn được quan tâm.

Theo Phòng Giáo dục, từ năm học 2023 – 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Lạng Giang đã triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, mục tiêu hướng tới xây dựng 100% trường học không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, xây dựng ngôi trường “yêu thương, an toàn và tôn trọng”.

Với sự chủ động thay đổi, tìm tòi sáng tạo của các thầy, cô giáo, phong trào xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” đã đạt được kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến lớn trong các nhà trường và toàn ngành.

Để tiếp tục xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, tại cuộc tọa đàm, các đại biểu nêu nhiều ý kiến về đánh giá thực trạng việc xây dựng, triển khai mô hình; tập trung làm rõ những điểm nổi bật, các hạn chế trong các trường học, cơ sở giáo dục… “Hiến kế”, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với việc xây dựng mô hình trên địa bàn huyện, qua đó khơi dậy khát vọng và phong trào thi đua sôi nổi, tích cực, cụ thể hóa xây dựng mô hình này phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường.

Các giải pháp để xây dựng không gian, môi trường học tập mở, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, giúp học sinh, cán bộ, giáo viên có được môi trường học tập, làm việc an toàn, thân thiện, tạo cơ hội thuận lợi để tổ chức các hoạt động, nhiệm vụ dạy và học.

Trách nhiệm của hiệu trưởng, cán bộ quản lý nhà trường, thầy, cô giáo và học sinh trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, góp phần xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Biện pháp thúc đẩy đổi mới phương pháp, kỹ thuật, hình thức dạy học, giáo dục nhằm hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Vai trò của tổ chức công đoàn, đoàn viên công đoàn trong các nhà trường đối với việc xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Sau tọa đàm, huyện Lạng Giang đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh hiểu về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và những giải pháp xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường học tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho hoạt động giáo dục, hướng tới đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, khang trang, hiện đại. Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường; hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nâng cao kỹ năng ứng xử sư phạm, ý thức, đạo đức nghề nghiệp hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.

Đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo các chi bộ trường học tổ chức sinh hoạt chuyên đề về xây dựng “Trường học hạnh phúc”, từ đó phát huy vai trò của cấp ủy, chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Đọc thêm