Nâng cao trách nhiệm chính quyền, cán bộ cấp xã
Tham dự Tọa đàm có bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang.
Trao đổi tại Tọa đàm, bà Ngô Quỳnh Hoa cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, cùng với việc ban hành Kế hoạch số 1320/KH-BTP ngày 28/8/2021, Bộ Tư pháp đã chú trọng thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL. Trong 02 năm (2021 – 2022), Bộ Tư pháp đã tổ chức biên soạn, in ấn 9.500 cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về chuẩn TCPL; biên soạn một số tài liệu pháp luật; xây dựng 04 video bài giảng điện tử theo chuyên đề hướng dẫn triển khai Quyết định số 25 và Thông tư số 09/2021/TT-BTP.
Công tác tập huấn cũng được chú trọng, từ năm 2021 đến nay, theo đề nghị của các địa phương, Bộ Tư pháp đã tổ chức 17 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL tại các địa phương. Qua theo dõi và kiểm tra, khảo sát, Bộ Tư pháp cũng đã kịp thời hướng dẫn, giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong triển khai công tác này.
Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. |
Theo đánh giá của bà Hoa, công tác này đã dần đi vào nền nếp, kết quả đạt được rõ nét hơn, trách nhiệm của chính quyền và cán bộ, công chức cấp xã trong tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật hướng tới xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh cho người dân tại cơ sở tiếp tục được tăng cường gắn với tổ chức thi hành pháp luật và thực thi trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 201/209 đơn vị cấp xã đạt chuẩn TCPL, đạt tỷ lệ 96%. Để có được kết quả này, ông Lê Anh Tuấn cho biết Sở Tư pháp đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Đáng chú ý, năm 2021 Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 2 Chỉ thị quan trọng là Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; Chỉ thị số 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn TCPL ở địa phương.
Cùng với đó, ông Tuấn cũng chỉ ra nhiều thuận lợi khác như: nhận thức về công tác đánh giá xã đạt chuẩn TCPL của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng cao; các quy định của Quyết định 25 và Thông tư số 09 của Bộ Tư pháp đã khá rõ, cụ thể, phù hợp hơn nên thuận tiện cho việc áp dụng và thực hiện (quy trình, tiêu chí, điểm số…). Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2025 nói chung và thực hiện tiêu chí về xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL nói riêng đã được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng. Các điều kiện về nguồn lực, kinh phí cơ bản được bảo đảm để triển khai nhiệm vụ nói chung và chuẩn TCPL nói riêng.
Quan tâm bố trí các nguồn lực
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, công tác này vẫn còn một số khó khăn như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến các chỉ tiêu, tiêu chí TCPL; chưa rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác này; đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã phải thực hiện nhiều nhiệm vụ; chất lượng tiêu chí ở một số cơ sở chưa thực sự bền vững, hệ thống tài liệu kiểm chứng chưa khoa học, tính thuyết phục chưa cao…
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang. |
Từ kết quả của tỉnh Bắc Giang và kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL năm 2022 trên cả nước (có 10.086/10.596 đơn vị cấp xã đạt chuẩn TCPL, đạt 95.2%), bà Ngô Quỳnh Hoa vẫn thẳng thắn nhìn nhận tỷ lệ cao như vậy nhưng chưa thực sự phản ánh được thực chất kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về TCPL tại cơ sở, chưa thực sự đạt được mục tiêu đề ra.
Qua theo dõi, kiểm tra của Bộ Tư pháp cho thấy trên thực tế việc triển khai các tiêu chí TCPL còn có những tồn tại, hạn chế: Việc tổ chức thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu; chấm điểm, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tại một số nơi còn hình thức, không có đầy đủ tài liệu kiểm chứng kết quả thực hiện; chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn TCPL; nhân lực đảm nhiệm công tác này còn kiêm nhiệm…
Vì vậy, để công tác này trong thời gian tới thực chất, hiệu quả hơn, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như có các biện pháp xử lý đối với các trường hợp đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn chưa đảm bảo theo quy định. Đồng thời, tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức; bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xã hội hóa, thu hút đội ngũ có kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ; tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện thể chế đảm bảo công tác này đáp ứng tốt hơn yêu cầu, bối cảnh của thực tiễn. Cùng với đó, UBND các cấp cần quan tâm bố trí kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất, chú trọng xây dựng các mô hình, địa phương điểm về chuẩn TCPL.