Tiếp tục xác định phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm

(PLVN) -  Ngày 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Đề nghị giữ phạm vi và mức độ giảm thuế giá trị gia tăng

Tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến tại các phiên thảo luận tổ, phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội chưa có tính toán, đánh giá tác động của Chính sách về số thu, về kích cầu tiêu dùng, các tác động trở lại đối với tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách trong việc kéo dài thời gian thực hiện, mở rộng phạm vi áp dụng và việc nâng mức giảm như đề nghị của đại biểu Quốc hội.

Do vậy, trước mắt, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế VAT như đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện mục tiêu chính sách như đã đặt ra, lượng hoá các tác động về số thu, về kích cầu tiêu dùng, các tác động trở lại đối với tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách từ việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT này, báo cáo Quốc hội chi tiết về kết quả thực hiện và tác động thực tế của việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023 trong Báo cáo tổng hợp về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, làm cơ sở cân nhắc các giải pháp chính sách một cách phù hợp sau khi kết thúc thời gian thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích liều lượng, mức độ, thời hạn của biện pháp giảm thuế, đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế và tác động dự kiến tới nền kinh tế. Đối với cơ chế đặc thù phát triển TP HCM, các đại biểu cho rằng cần đưa ra những chính sách đủ mạnh, vượt trội với thời hạn nhất định để tạo điều kiện cho TP HCM có sự phát triển đột phá hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ lưỡng các chính sách đưa ra, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có sự kết nối đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm phù hợp, khả thi trong tổ chức thực hiện.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. Một số ý kiến của các đại biểu đề nghị nới rộng mức độ và thời gian giảm thuế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn kỹ lưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để nhìn nhận rõ tình hình kinh tế, tài chính, ngân sách để đưa ra chính sách phù hợp, thận trọng. Việc áp dụng mức giảm thuế này cho năm sau sẽ được tiếp tục xem xét kỹ lưỡng tại Kỳ họp tháng 10 để bảo đảm thận trọng, chắc chắn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình cần làm rõ thêm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, quy định về hợp đồng BT phải thật sự chặt chẽ, kín kẽ để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật.

Không áp dụng lấy phiếu tín nhiệm một cách đồng loạt

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTV Quốc hội trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong các ngày 30/5 và 9/6/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và hội trường về dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến cơ bản tán thành sự cần thiết và cho rằng việc sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 bảo đảm thống nhất, kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/02/2023 của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 2), một số ý kiến đề nghị bổ sung đầy đủ các đối tượng do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện được lấy phiếu tín nhiệm (như thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thẩm phán TANDTC, Phó Trưởng Ban của HĐND, Hội thẩm TAND cấp tỉnh, cấp huyện). Liên quan vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, để bảo đảm hiệu quả thiết thực của việc lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo Nghị quyết chỉ xác định đối tượng thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, có tầm ảnh hưởng nhất định đến việc ban hành và thực thi chính sách hoặc người giữ chức vụ tại các cơ quan có vai trò lãnh đạo, hoạt động thường xuyên (như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thường trực HĐND, UBND) mà không áp dụng đồng loạt đối với tất cả các chức vụ, chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân hoặc cấp phó tại các Ban của HĐND. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục xác định phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND như thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu cho biết, các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của dự thảo Nghị quyết đã thể hiện nhất quán và đầy đủ, đúng tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm và yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết này không quy định quá chi tiết về tất cả các trường hợp và thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm xin từ chức mà nội dung này sẽ thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Đảng và Nhà nước.

Đọc thêm