Hai quyết định vênh nhau gần 30 ngàn mét đất
Theo Quyết định 1223/2004/QĐ-UB ngày 26/5/2014 của UBND tỉnh Nam Định về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) KĐT mới Thống Nhất – TP. Nam Định thì tại Điều 1 có ghi: diện tích đất thu hồi để xây dựng KĐT mới Thống Nhất của hai phường Thống Nhất và Lộc Hạ là 459.199,3m2.
Tuy nhiên, tại Điều 1 Quyết định 1260/QĐ-UB về việc phê duyệt phương án đền bù GPMB KĐT mới Thống Nhất, TP.Nam Định lại nêu: “Phê duyệt phương án đền bù thiệt hại GPMB thuộc dự án đầu tư KĐT mới Thống Nhất, TP.Nam Định, cụ thể: Tổng diện tích: 429.934,7m2”. Như vậy, giữa Quyết định về việc thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án đền bù có sự “vênh” về diện tích đất thu hồi là 29.264,6m2.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1223/2004/QĐ-UB thì trong 350.559,3m2 đất bị thu hồi ở phường Lộc Hạ, có 9.547,5m2 được xác định là do các hộ dân quản lý. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân thì trên thực tế diện tích đất này đến thời điểm thu hồi vẫn là đất nông nghiệp và được cán bộ phường Lộc Hạ sử dụng.
Ngày 22/1/2008, UBND tỉnh Nam Định có Quyết định số 249/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch KĐT mới Thống Nhất, TP. Nam Định. Theo đó, tỉnh sẽ tách phần ranh giới không thu hồi thuộc dự án khu Đông Mạc.
Cụ thể, giới hạn KĐT mới phía Đông được xác định là giáp khu dân cư xã Lộc Vượng (không thu hồi phía Đông KĐT giáp với khu Đông Mạc, phường Lộc Hạ). Tuy vậy, trên thực tế tỉnh Nam Định vẫn thu hồi đất tại khu Đông Mạc. Việc làm này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân tại khu Đông Mạc, trực tiếp xâm phạm quyền và lợi ích của những người sử dụng đất tại khu vực này mà còn tạo nên sự nghi ngờ, thiếu minh bạch trong thu hồi đất.
|
…biến người dân thành thất nghiệp rơi vào đói khổ |
Tại Kết luận số 450/KL-TTCP ngày 24/03/2008 của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất và triển khai thực hiện một số dự án KĐT, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Nam Định đã kết luận, tại KĐT Thống Nhất: UBND tỉnh Nam Định chưa thực hiện đúng Quy định số 22/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về cơ chế tài chính trong việc sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, không công khai xây dựng, tổ chức đấu thầu cơ sở hạ tầng; không thẩm định năng lực tài chính, năng lực của chủ đầu tư.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng định giá đất và Hội đồng định giá đất này đã lấy giá chuyển nhượng không hợp pháp đất ở nông thôn để áp dụng cho việc xác định đất đô thị; hồ sơ khảo sát còn sơ sài, vị trí, điều kiện, loại đất khảo sát chưa phù hợp với mục đích sử dụng mới của khu đất trả cho nhà đầu tư, chưa xem xét đến các yếu tố liên quan làm ảnh hướng đến giá đất như giá đền bù đất ở, việc đầu tư các tuyến đường chạy xuyên qua KĐT…Cho phép nhà đầu tư hưởng cơ chế khuyến khích khi Nhà nước chưa có văn bản quy định.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã báo báo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Chỉ đạo kiểm điểm và xem xét xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể đã tham mưu, trình UBND tỉnh Nam Định ký các quyết định không đúng quy định của Nhà nước: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng đền bù GPMB TP.Nam Định và các cá nhân liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện không đúng Nghị định 22/2003/NĐ-CP của Bộ Tài chính tại KĐT mới Thống Nhất.
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 450/KL-TTCP, ngày 9/4/2008, Văn phòng Chính phủ có Công văn 2003/VPCP-V.II thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao UBND tỉnh Nam Định thực hiện và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân sai phạm, thu hồi đất với dự án treo và sử dụng đất sai mục đích; thu hồi tiền chênh lệch về cho ngân sách nhà nước, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2008.
Ngày 17/4/2008, UBND tỉnh Nam Định có Văn bản số 86/UBND-VP8 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ với nội dung là đã chỉ đạo cho 8 ban, ngành chức năng trong tỉnh thực hiện lại cho đúng nguyên tắc, luật định.
Tuy nhiên, theo các hộ dân bị thu hồi đất thì họ không nhận thấy bất cứ sự điều chỉnh, thay đổi nào của phía các ban ngành trong tỉnh dù đã 10 năm trôi qua kể từ ngày các hộ dân phường Lộc Hạ, TP. Nam Định bị thu hồi đất, khiến họ lâm vào cảnh mất ruộng đất sản xuất, không nghề nghiệp, phải phiêu bạt khắp nơi để mưu sinh, đời sống vô cùng khó khăn.
Một thập kỷ trôi qua kể từ khi chính quyền bắt đầu thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư, đến nay dự án vẫn là đất trống, còn cuộc sống người dân mất đất thì trăm đường cơ cực. Ở đây, các hộ dân đều khẳng định họ hoàn toàn ủng hộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhưng khi bị thu hồi tư liệu sản xuất (đất) nhưng không được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng; những vi phạm của cá nhân liên quan không bị xử lý nghiêm thì làm sao họ có thể không kêu kiện cho được.
Thiết nghĩ, các cơ quan trung ương nên có sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt để sớm giải quyết khiếu nại nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.