Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được bình đẳng khi thu hồi đất

(PLO) - So với những quy định trước đây, tại Dự thảo Nghị định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất quy định bồi thường về đất đối với cả đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất ở.
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet
Đảm bảo hơn về quyền lợi cho người bị thu hồi đất
Ngoài việc bổ sung đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam bị thu hồi đất ở thì được bồi thường về đất ở như đối với hộ gia đình, cá nhân trong nước, Dự thảo cũng có thêm một số điểm mới so với những quy định trước đây. Cụ thể, Dự thảo đã quy định rõ ràng, tách bạch các trường hợp bị thu hồi đất ở được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư và trường hợp bị thu hồi đất ở được bồi thường bằng tiền (chỉ được xem xét bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất).
Theo Dự thảo, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có đủ điều kiện được bồi thường nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường đất ở hoặc nhà ở tái định cư nếu thuộc một trong các trường hợp: Phải di chuyển chỗ ở do thu hồi hết đất ở; phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của UBND cấp tỉnh; phải di chuyển chỗ ở do thu hồi hết đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn; trong hộ gia đình có nhiều thế hệ (nhiều cặp vợ chồng) cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi đủ điều kiện tách hộ hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi.
Nếu trường hợp nêu trên mà không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư hoặc trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được Nhà nước bồi thường bằng tiền. Giá đất tính tiền bồi thường là giá đất cụ thể đối với loại đất ở do UBND cấp tỉnh quyết định.
Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, khi Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở được xác định theo giá thị trường; giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất là giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về đất đai. 
Nhiều ý kiến đánh giá những quy định trên là một bước tiến bộ mới trong chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai, giảm khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến thu hồi và đền bù về đất, đảm bảo tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người có đất bị bị thu hồi. Bởi vậy, các quy định trên được hy vọng sẽ khắc phục những  bất cập khi thực hiện bồi thường đất ở trong thời gian qua, đảm bảo sự bình đẳng giữa hộ gia đình, cá nhân trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Chi phí đã đầu tư vào đất, thế nào mới hợp pháp?
Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo là các quy định về việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày 1/7/2014. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức trước ngày 1/7/2014 (ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành) do được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác, tự khai hoang theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì được bồi thường, hỗ trợ như trường hợp bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp sử dụng trong hạn mức của hộ gia đình, cá nhân. 
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức trước ngày 1/7/2014 do được giao đất quy định tại Khoản 1 Điều 54 của Luật Đất đai hoặc do lấn chiếm, chiếm dụng đất công, đất của người khác thì không được bồi thường về đất, chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Về nội dung bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Dự thảo đề xuất 2 phương án. Theo phương án 1 thì chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất để sử dụng theo mục đích được phép sử dụng mà đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất còn chưa thu hồi được. 
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng quy định các khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại bao gồm: Các khoản chi phí san lấp mặt bằng phù hợp với mục đích sử dụng đất; các khoản chi phí tạo lập vườn cây lâu năm, nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất và phù hợp với mục đích sử dụng đất; các khoản chi phí khác có liên quan. Đối với những trường hợp không có hồ sơ, chứng từ, thực tế chứng minh thì UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Để đảm bảo việc đền bù được công bằng, tránh thất thoát tiền của Nhà nước, Dự thảo quy định việc xác định khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại phải đảm bảo các điều kiện nhất định. Đó là: Các khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, thực tế chứng minh; chi phí đầu tư vào đất còn lại được áp dụng đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê sử dụng có thời hạn và khi Nhà nước thu hồi đất thì thời hạn sử dụng đất vẫn còn. Trường hợp thu hồi đất mà người sử dụng đất đã được bồi thường về đất thì không được tính khoản chi phí san lấp mặt bằng vào chi phí đầu tư vào đất còn lại. Ngoài ra, chi phí đầu tư vào đất phải không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.