Tiếp vụ “Luật sư lừa tòa…”: Một thương hiệu lớn có nguy cơ bị xóa sổ?

(PLO) - Thanh long xuất khẩu của Cty Hồng Ân đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt nam cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thương hiệu này đã được các đối tác nước ngoài tin tưởng và đặt hàng. Thế nhưng, do sự “lãnh cảm” của vai trò quản lý nhà nước tỉnh Bình Thuận mà thương hiệu tầm cỡ quốc tế này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ?!  
Những chứng chỉ quốc tế chứng nhận thương hiệu thanh long của Cty Hồng Ân
Những chứng chỉ quốc tế chứng nhận thương hiệu thanh long của Cty Hồng Ân

Án không xử được

Vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác (HĐHT) giữa Cty CP Xuất nhập khẩu Khiết Tường (Cty Khiết Tường, địa chỉ 74B Nguyễn Phi Khanh, Tân Định, quận 1, TP HCM) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Hồng Ân (Cty Hồng Ân, địa chỉ 150/9 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM) tại TAND quận 1 có nhiều khuất tất. Cho đến nay, vụ án này hơn một năm vẫn không xét xử được, mặc dù Tòa án quận 1 đã thay đổi thẩm phán. Vì sao như vậy? 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Tổng Giám đốc Cty Hồng Ân cho biết: “Sau khi thay Thẩm phán Vương, thẩm phán mới mời tôi lên để tiếp tục hoàn tất thủ tục tố tụng. Tôi yêu cầu Tòa quận 1 trả lại tài sản cho Cty Hồng Ân mà Thẩm phán Vương ra quyết định “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” kê biên toàn bộ tài sản Cty Hồng Ân giao cho Cty Khiết Tường. Tài sản bị đơn (Cty Hồng Ân) Tòa đã kê biên giao cho nguyên đơn (Cty Khiết Tường) quản lý và sử dụng rồi thì xét xử làm gì nữa?!”.

Thật ra, thủ tục tố tụng tại Tòa án quận 1 theo xác minh thực tế của Báo PLVN tại Bình Thuận và kết quả điều tra của Cục Điều tra VKSTC thì chỉ là kịch bản của bà Lê Thị Thanh Lan “hợp thức hóa” hành vi cưỡng đoạt tài sản đã xảy ra trước khi Tòa quận 1 thụ lý vụ án! Đêm 28, rạng sáng ngày 29/1/2016 bà Lan đã tổ chức một nhóm người lạ mặt vào cưỡng đoạt tài sản như bài trước Báo PLVN đã nêu. Từ ngày 1/2/2016 đến 18/2/2016 (trừ 10 ngày nghỉ Tết Nguyên đán), chỉ trong 8 ngày Tòa án quận 1 đã hoàn tất thủ tục chuyển giao Thi hành án dân sự (THADS) quận 1 phối hợp thực hiện THADS với huyện Bắc Bình-Bình Thuận. Được biết, hai địa điểm phối hợp này cách xa hơn 300 km, không có đường hàng không, chỉ có đường bộ và đường sắt. Vì sao chỉ trong 8 ngày, với khoảng cách hơn 300km mà các cơ quan phối hợp “siêu tốc” để hợp thức hóa việc cưỡng đoạt tài sản như vậy? 

Ngày 15/3/2016, TAND quận 1 (TP HCM) ra Quyết định số 22 về việc hủy bỏ “Biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Tuy nhiên trong quyết định này Tòa quận 1 cố tình “đánh đu câu chữ”, bởi không có nội dung giao lại tài sản kê biên cho Cty Hồng Ân. Chính vậy, THADS huyện Bắc Bình không biết thực hiện Quyết định giải tỏa biện pháp khẩn cấp tạm thời này như thế nào? 

Bình luận về hành vi này, Luật sư Vũ Mạnh Cường (Cty Luật Hải Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: “Rạng sáng 29/1/2016, hành vi cưỡng đoạt đã hoàn tất. Ngày 18/2/2016 Quyết định THADS chủ động của THADS Bắc Bình là một động thái “lấy tài sản bị cướp giao cho kẻ cướp”. Thời điểm này, trang trại và nhà máy của Cty Hồng Ân đang bị Cty Khiết Tường chiếm giữ bất chấp pháp luật. Chính vậy, Quyết định giải tỏa Biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa quận 1 là động thái kết luận hành vi cưỡng đoạt: công khai công nhận tài sản Cty Hồng Ân là của Cty Khiết Tường, quyết định giải tỏa đương nhiên chấp nhận khối tài sản này hoàn toàn tự do, Cty Khiết Tường đang quản lý sử dụng có thể thế chấp, mua bán”.

Thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng

Hiện nay, khối tài sản hơn 300 tỷ đồng này đang được nhân viên bảo vệ của Cty Khiết Tường canh giữ 24/24 giờ như một nhà kho và đám rừng hoang. Gần 2 năm, 80ha thanh long không ai chăm sóc đã bị cỏ dại leo phủ hoang phế. Nhà máy gia nhiệt hơn 4 triệu USD, bụi phủ như một đống sắt vụn phế thải. Bởi tại Cty Khiết Tường của bà Lê Thị Thanh Lan thực chất “không biết kinh doanh” do không có những hợp đồng xuất khẩu thanh long ra nước ngoài như Cty Hồng Ân.

Sau khi Báo PLVN đăng tải những thông tin liên quan đến vụ cưỡng đoạt tài sản này, trong cộng đồng trồng và xuất khẩu thanh long tại tỉnh Bình Thuận xôn xao lo lắng: Cty Hồng Ân sẽ “chết hay sống”? Cty Khiết Tường có thay thế Hồng Ân được không? Ai sẽ bồi thường thiệt hại cho Hồng Ân?

Mới đây, Cty Hồng Ân đã có thông báo tạm tính thiệt hại gửi các cơ quan chức năng. Theo đó, từ ngày bị Cty Khiết Tường chiếm trang trại và nhà máy gia nhiệt đến nay, tổng thiệt hại tạm tính là 1.581.568.000.000 đồng (một ngàn năm trăm tám mươi mốt tỷ, năm trăm sáu mươi tám triệu đồng). Tổng thiệt hại đó được tính trên cơ sở như sau: Thiệt hại về thu hoạch từ 50.000 trụ thanh long: 68,8 tỷ đồng. Thiệt hại về xuất khẩu thanh long đã qua xử lý hơi nước nóng 111 tỷ 862 triệu đồng. Chi phí cho Chuyên gia Nhật bản 2 nhiệm kỳ 642 triệu. Cty Hồng Ân có 1 Nhà máy xử lý hơi nước nóng (VHT) có công suất: 10 tấn/mẻ (02 mẻ/ngày) và 1 Trang trại thanh long 50 ha có 50.000 trụ cây thanh long đạt chuẩn GlobalG.A.P, VietGAP trên 6 năm tuổi. Đây là dự án duy nhất ở Việt Nam vừa có nhà máy VHT và vùng nguyên liệu lớn nhất nước. 

Ngày 29/01/2016, khi vào cướp, chiếm đoạt Nhà máy và Trang trại của Cty Hồng Ân, Cty Khiết Tường đã cho người đập phá và tháo dỡ toàn bộ bảng hiệu, Logo thương hiệu của Cty Hồng Ân, dẫn đến Cty Hồng Ân bị mất uy tín thương hiệu, khiến Cty Hồng Ân bị mất rất nhiều đơn đặt hàng lớn cũng như ảnh hưởng đến uy tín trên thương trường quốc tế. Thiệt hại này là đặc biệt nghiêm trọng, vì thương hiệu của doanh nghiệp là độc quyền về trái thanh long xuất khẩu ở Việt Nam, đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận số 183219 theo Quyết định số 18974/QĐ-SHTT ngày 17/4/2012.

Chính vì vậy, giá trị thương hiệu của Cty Hồng Ân được tính: Giá trị thương hiệu = ∑giá trị tài sản x hệ số k (từ 4 g 10). 200.000.000.000đồng x 7 = 1.400.000.000.000đồng  (tổng giá trị tài sản tính trung bình 200 tỷ đồng, hệ số k tính trung bình là 7).

Ngày 2/11/2017, Cty Hồng Ân có Công văn 17/HA gửi Cty Meikoshoji Limited (Nhật Bản) để xin “khất”, lùi thời gian thực hiện giao hàng là 3.000 tấn thanh long cho đối tác vì lý do nhà máy và trang trại bị “chiếm đóng” trái phép. Do Cty Hồng Ân liên kết liên doanh với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nên họ biết sự kiện rạng sáng 29/1/2016 và họ “ thông cảm”. Nhưng những đơn hàng với các đối tác châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Newzeland, Úc, Đài Loan… thì Cty Hồng Ân đang đối diện với những đơn kiện tại Tòa án Trọng tài quốc tế.

Báo PLVN sẽ thông tin tiếp vụ việc.  

Đọc thêm