Công trình Tòa nhà EVN ở 11 Cửa Bắc (quận Ba Đình, Hà Nội) lại một lần nữa nhận được danh hiệu công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh với tổng mức điện năng tiết kiệm được vào khoảng 2,2 tỷ đồng.
Đây là danh hiệu được trao trong chương trình Cơ sở công trình xây dựng sử dụng Năng lượng xanh Hà Nội năm 2017 do UBND TP Hà Nội và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam chủ trì. EVN là một trong 15 đơn vị nhận được danh hiệu này với thời hạn công nhận trong vòng 3 năm. Tòa nhà EVN là trụ sở làm việc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhiều đơn vị trực thuộc trong ngành điện.
|
Đại diện EVN nhận danh hiệu tại buổi lễ công bố những công trình sử dụng năng lượng xanh của TP Hà Nội |
Xuất hiện tại buổi lễ trao giải, đại diện EVN cho biết, để nâng cao năng lực quản lý vận hành Tòa nhà EVN, Ban Quản lý năng lượng tòa nhà đã được thành lập, trong đó có 02 cán bộ quản lý năng lượng được cấp chứng chỉ của Bộ Công Thương.
Theo kế hoạch vận hành, Ban quản lý năng lượng đã xây dựng chính sách năng lượng, kế hoạch tiết kiệm năng lượng hàng năm và 05 năm. Theo đó, Tòa nhà được sử dụng hệ thống quản lý năng lượng BMS. Đây là hệ thống quản lý có nhiều giao diện tiện ích giúp kiểm soát các thông số hoạt động của nhiều thiết bị như: hệ thống máy biến áp, chiller, bơm giải nhiệt, bơm nước lạnh, tháp giải nhiệt, AHU, chiếu sáng, thang máy…
Đại diện EVN khẳng định, Hệ thống phần mềm BMS giúp tòa nhà dễ dàng vận hành, tự động hóa kết nối điều khiển với máy tính, hướng đến cách mạng công nghệ “công nghiệp thế hệ 4.0”. Được biết, Tòa nhà EVN đang xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội hỗ trợ và sẽ được cấp chứng nhận trong thời gian tới.
Theo số liệu kết quả kiểm toán năng lượng năm 2016 đối với tòa nhà EVN, các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được Ban quản lý tòa nhà EVN thực hiện trong 3 năm bao gồm: Thay bóng đèn ống T8 và đèn compact bằng bóng đèn Led; Lắp thiết bị TKD-N50 cho chiếu sáng, cải tạo hệ thống điều hòa, thay đổi nội thất.
Đặc biệt, Ban quản lý năng lượng đã thực hiện vận hành tối ưu hệ thống bơm nước cho hệ thống điều hòa không khí và hệ thống điện chiếu sáng cho các khu vực công cộng (bằng cách chia lộ điện để cài đặt bật và tắt theo giờ); Dán phim cách nhiệt cho hệ thống vách kính phía ngoài tòa nhà phía hướng Tây; Lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời tại khu vực mái tầng 5 khối đế cung cấp đủ điện chiếu sáng cho đèn sảnh tầng 1.
Theo đại diện EVN, sau khi vận hành thành công hệ thống vận hành tiết kiệm năng lượng, giải pháp tiết kiệm được đánh giá là có mức tiết kiệm cao nhất là giải pháp cho hệ thống chiếu sáng (thay thế bóng đèn ống T8 và đèn compact bằng bóng đèn Led, lắp thiết bị TKD-N50 cho chiếu sáng) với mức tỷ lệ tiết kiệm điện năng là 12,5%/năm.
Tổng lượng điện năng đã tiết kiệm được trong vòng 3 năm gần nhất là 906.429 kWh (tương đương số tiền khoảng 2,2 tỷ đồng). Hiện nay, Ban quản lý tòa nhà đang xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng trong 5 năm tiếp theo là 1.468.288 kWh (tương đương số tiền khoảng 3,6 tỷ đồng).
Trước khi tòa nhà EVN có tên trong danh sách 15 công trình được công nhận danh hiệu cơ sở công trình xây dựng sử dụng Năng lượng xanh trên địa bàn TP Hà Nội năm 2017, công trình tòa nhà EVN từng đạt Giải Nhất trong cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng năm 2014 đối với loại hình tòa nhà mới và hiện có do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức.