Tiết kiệm năng lượng: Hô hào nhiều, kết quả được bao nhiêu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ qua một đợt nắng nóng đầu hè 2022, phụ tải điện đã lập “đỉnh” mới, với mức tăng hơn 3.300MW so với năm 2021. Nếu thực hiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể tiết kiệm được lượng điện tương đương các nhà máy điện có tổng công suất lên tới 12.000MW.
Nhiều nhà máy xi măng đang nỗ lực thực hiện tiết kiệm năng lượng.
Nhiều nhà máy xi măng đang nỗ lực thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Tiết kiệm mới được 1%

Nếu năm 2021, phụ tải đỉnh vượt hơn 3.200MW so với năm 2020 thì 2022 vượt 3.300MW so với năm 2021. Cần nhớ rằng, tổng công suất của 2 nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu mới chỉ bằng 3.200MW. Nếu mỗi năm có một ngày thời tiết cực đoan, phụ tải đỉnh (mức nguồn điện sử dụng) tăng hơn công suất 2 nhà máy thủy điện nói trên cộng lại thì hệ thống điện quốc gia sẽ đối mặt nhiều nguy cơ về an ninh.

Nhiều năm qua, cứ vào hè, các công ty sản xuất công nghiệp lại nhận được lời đề nghị “tiết giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm” của “nhà đèn”. Vì nếu không điều tiết sử dụng năng lượng thì ngoài việc gây nguy cơ cho hệ thống điện quốc gia, bản thân các công ty này cũng sẽ gặp khó khăn khi hệ thống xảy ra quá tải. Thậm chí, nhiều tòa nhà chung cư lớn cũng được đề nghị chia sẻ “dùng nguồn phát điện riêng” vào các đợt được dự báo nắng nóng cao điểm cực đoan, nguy cơ phụ tải đỉnh lên rất cao.

Ngoài ra, các chương trình kêu gọi tiết kiệm năng lượng (TKNL) cũng liên tục được phổ biến rộng rãi cho người dân, DN và các cơ quan, đoàn thể… Những hội nghị chia sẻ về các phương thức TKNL cũng được tổ chức. Nhiều DN điển hình về TKNL cũng được nêu tên, với các mức chi phí tiết kiệm được lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Nhiều DN hiểu và chia sẻ vấn đề này với ngành Điện nên rất chủ động trong TKNL. “Chúng tôi nhận thức được rằng sử dụng năng lượng tiết kiệm là vấn đề sống còn, do đó, Dệt Hà Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tiết kiệm điện”, bà Phạm Thị Thúy Nhuận - Tổng Giám đốc Công ty Dệt Hà Nam khẳng định.

Không chỉ Dệt Hà Nam, nhiều DN vốn sử dụng nhiều năng lượng cho sản xuất kinh doanh lớn cũng đã có nhiều giải pháp để TKNL. Ví dụ, các DN sản xuất xi măng đã dùng các biện pháp thu hồi nhiệt thải, tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi phí mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Nhà máy luyện cán thép (thuộc Hòa Phát Hưng Yên), điện là yếu tố đầu vào có tỷ trọng trong chi phí không lớn đối với DN, nhưng điện đóng một vai trò rất quan trọng trong vận hành các dây chuyền sản xuất, không có điện đồng nghĩa với việc nhà máy phải dừng mọi hoạt động. Việc TKNL, ngoài giảm chi phí cho đơn vị, còn là hành động đóng góp cho sự phát triển cân đối giữa cung - cầu điện, bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, dù nhiều DN đã có ý thức trong vấn đề TKNL, nhiều chương trình tuyên truyền về tiết kiệm điện đã thực hiện trong nhiều năm qua…, nhưng hiệu quả của các chương trình này vẫn chưa như mong muốn.

“Theo tổng hợp từ nhiều số liệu, kết quả TKNL của Việt Nam đạt được trong những năm qua còn rất khiêm tốn. Mỗi năm, tổng TKNL quốc gia của Việt Nam chỉ đạt trên dưới 1%. Kết quả này còn rất nhỏ so với tiềm năng TKNL”, ông Chu Bá Thi - chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới – cho hay.

Hướng tới sản xuất xanh

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - khẳng định: “Chúng ta sử dụng năng lượng chưa hiệu quả. Trong quan sát nhiều năm, hiện nay chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp Việt Nam khoảng 400 TOE mới tạo 1.000 USD tăng trưởng GDP. Con số này cao hơn 30% so với Thái Lan và 60% so với Malaysia. Điều này rất đáng suy nghĩ”.

Theo vị này, việc sử dụng chưa hiệu quả, trong đó phải kể đến cơ cấu nền kinh tế vĩ mô. Mỗi ngành kinh tế sẽ có cường độ năng lượng khác nhau do đặc tính sử dụng năng lượng khác nhau. Chẳng hạn ngành công nghiệp nặng, sắt, thép, xi măng... có cường độ năng lượng cao hơn so với các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp điện tử, sản xuất chip, bán dẫn… Những ngành “công nghiệp không khói” như du lịch có cường độ năng lượng rất thấp.

“Điều này có nghĩa là để tạo ra 1.000 USD tăng trưởng GDP ở ngành xi măng chẳng hạn, sẽ đòi hỏi sử dụng nhiều năng lượng hơn ở các ngành khác. Do đó, về mặt dài hạn, để giảm cường độ tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế cần có chiến lược chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh hơn, ít phát thải, cường độ sử dụng năng lượng thấp”, lời ông Vũ.

Bên cạnh đó còn phải kể đến nhận thức, ý thức và hành vi sử dụng năng lượng… cũng đóng góp quan trọng trong hiệu quả tiêu thụ năng lượng. Nếu sử dụng công nghệ cao mà không biết cách sử dụng công nghệ tốt, ý thức sử dụng năng lượng không tốt thì cũng không hiệu quả.

“Đây là cơ sở để dần loại bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu để nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp, đặc biệt khi công nghiệp chiếm tới 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc” - ông Vũ nói.

Đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính

“Việc sử dụng điện tiết kiệm góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Với khách hàng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả sẽ góp phần giảm chi phí hóa đơn tiền điện hàng tháng. Đặc biệt, với các DN, việc tiết kiệm điện sẽ góp phần tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Đọc thêm