Tiết lộ không ngờ của MC Lại Văn Sâm

"Tôi vẫn nói đùa rằng, nói đùa nhưng nó cũng là thật, khi vào nghề truyền hình tôi là thằng vô học. Tôi được đào tạo về một ngành nghề khác và quá trình làm việc cũng hoàn toàn theo bản năng', MC Lại Văn Sâm.
Tiết lộ không ngờ của MC Lại Văn Sâm

Trong chương trình ‘Café sáng với VTV3’, nhà báo Lại Văn Sâm và nhà báo Trương Anh Ngọc đã luận đàm xoay quanh chủ đề về sự chuyên nghiệp. Chia sẻ trong chương trình, nhà báo Lại Văn Sâm cho biết, anh không được đào tạo bài bản khi đến với truyền hình, tự làm mọi thứ theo bản năng và học hỏi từ những người đồng nghiệp. 

Nhà báo Lại Văn Sâm bộc bạch: “Tôi vẫn nói đùa rằng, nói đùa nhưng nó cũng là thật, khi vào nghề truyền hình tôi là thằng vô học. Tôi được đào tạo về một ngành nghề khác và quá trình làm việc cũng hoàn toàn theo bản năng. Tôi học hỏi đồng nghiệp, các nước bạn sau đó bắt chước lại. Sau 6 năm công tác, tôi mới đi học một khóa đào tạo truyền hình tại Malaysia. Hóa ra trong suốt 6 năm đó, tôi đã làm đúng.

Thực tế, sự chuyên nghiệp có trở thành hiện thực hay không, phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi con người. Những điều chưa thực hiện được hoặc làm sai, chúng ta có thể dần tự điều chỉnh, còn sự chuyên nghiệp nằm trong tiềm thức của mỗi người”.

Anh bật mí thêm: “Chúng tôi có một trường quay ghi hình Ở nhà chủ nhật của ekip của chị Thu Thủy. Tôi cũng có ý thức cố gắng để làm sao truyền hình Việt Nam có thể tiến tới sự chuyên nghiệp. Chính vì vậy, tôi đã mời một đoàn các chuyên gia, đạo diễn, kỹ thuật viên, ánh sáng, âm thanh của Úc đến trường quay để xem và sau đấy cho chúng tôi ý kiến để mọi người có thể học hỏi được nhiều hơn. 

Sau khi hoàn tất công việc, họ nói rằng ở nước họ, làm trong điều kiện như chúng ta, không biết mấy ngày mới ghi hình xong. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tiếng, ekip đã quay xong chương trình này. Như vậy là quá giỏi. 

Sau đó, tôi mới nói với các bạn, đó là sự ghi nhận cố gắng của tất cả mọi người và cũng là một lời chê đích đáng, có văn hóa nhất. Chúng ta làm trong một môi trường không chuyên nghiệp, nhưng sẽ cố gắng để đạt đến sự chuyên nghiệp hóa”. 

Trong khi đó, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng tính hiệu quả là thước đo tốt nhất để đánh giá sự chuyên nghiệp trong một tập thể. Khi năng lực cá nhân phù hợp với mức lương, và mỗi người có thể phát huy tối đa khả năng của mình, đó là một cơ chế chuyên nghiệp.