Tiết lộ những dòng nhật ký về đoàn tàu không số


Bà Bảy Thu tức cụ Nguyễn Thị Lan (SN 1933, hiện ngụ Kiên Giang) kể lại: “Từng một thời luôn bên đồng đội trên đoàn tàu không số, những ngày tháng vào Nam ra Bắc không ngại khó khăn gian khổ, sau những chiến công hiển hách, tôi đều dành thời gian ghi lại vào nhật ký, lưu giữ cẩn thận đến ngày hôm nay. Và chỉ đọc vào những lúc nhớ đến đồng đội, những đồng chí đã quyết hy sinh để bảo vệ Tổ quốc”.

[links()] Nhằm sớm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 với tên gọi “Đoàn tàu không số”.

Từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển được hình thành, con đường vận chuyển vũ khí quan trọng lúc bấy giờ cho hai miền Bắc – Nam.

Bà Bảy Thu tức cụ Nguyễn Thị Lan (SN 1933, hiện ngụ Kiên Giang), vợ của anh hùng Bùi Thanh Lửa, thuộc tiểu đoàn 962 (H52), trung đoàn 2, Quân khu 9 kể lại: “Từng một thời luôn bên đồng đội trên đoàn tàu không số, những ngày tháng vào Nam ra Bắc không ngại khó khăn gian khổ, sau những chiến công hiển hách, tôi đều dành thời gian ghi lại vào nhật ký, lưu giữ cẩn thận đến ngày hôm nay. Và chỉ đọc vào những lúc nhớ đến đồng đội, những đồng chí đã quyết hy sinh để bảo vệ Tổ quốc”.

Tàu không số chiến đấu 450 ngày đêm trên tuyến lửa vòng cung Cần Thơ (ảnh do bà Lan cung cấp).
Tàu không số chiến đấu 450 ngày đêm trên tuyến lửa vòng cung Cần Thơ (ảnh do bà Lan cung cấp).

Lúc 14 tuổi, bà Bảy Thu đã tham gia kháng chiến, hoạt động bí mật và chưa có một lần về phép, từng tham gia công tác thanh niên ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Đến năm 1961, đồng chí Sáu Toàn được rút về Trung ương nhằm chi viện cho việc vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam và ngược lại. Lúc đó, đồng chí Sáu Toàn giữ chức Bí thư huyện Cái Nước. Ông đã dẫn dắt bà Bảy Thu đi cùng và giao cho bà phụ trách về y tế, kiểm tra sức khỏe, thuốc men cho đồng đội trên con tàu không số.

Sau đó, đồng chí Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau, SN 1926) được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn cùng các đồng chí Mười Thượng, Sáu Mập lên đường ra Bắc bằng đường sông nhằm thăm dò, nối liên lạc.

Ra đến Đà Nẵng, các đồng chí này bị địch vây và bắt đưa lên đảo Hoàng Sa giam giữ suốt mấy tháng liền. Nhiều ngày bị địch tra khảo, các đồng chí khai là dân đi buôn, thấy con tàu chẳng có một số hiệu cũng như không khai thác được bất kỳ thông tin nào từ các đồng chí nên địch thả tự do.

Các đồng chí tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc vào Nam, len qua vòng vây dày đặc của tàu chiến và máy bay địch, vượt ba bốn trăm ngàn hải lý để vận tải, chi viện vũ khí cho miền Nam suốt hàng năm trời.

Bà Nguyễn Thị Lan (tức Bảy Thu) lật lại cuốn sổ nhật ký, hiện bà  sống tại Kiên Giang.
Bà Nguyễn Thị Lan (tức Bảy Thu) lật lại cuốn sổ nhật ký, hiện bà sống tại Kiên Giang.

Đêm 16/10/1962, con tàu không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 do đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên chở 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lung an toàn.

Để xây dựng các cụm, bến ở Cà Mau từ Kênh 5 đi ngược lên sông Gành Hào phải di dời khoảng 1.000 hộ dân trong thời gian sớm nhất, nhằm nhường đất lại cho Đoàn 962 làm nơi chứa vũ khí. Nơi đây rừng đước bạt ngàn, sông rạch chằng chịt rất thuận lợi cho việc cất giấu vũ khí.

Với tàu 165 và đồng đội, chỉ để lại hai bức điện về Sở chỉ huy trong đêm 29/2 và rạng sáng ngày 1/3 năm Mậu Thân. Bức điện thứ nhất để lại trong đêm 29/2 “Chuyến tàu vào gặp máy bay trinh sát đi qua tàu”. Bức điện thứ hai do đồng chí Nguyễn Ngọc Sương để lại lúc 1 giờ ngày 1/3 “Chúng tôi gặp tám tàu địch bao vây, quyết cảm tử”. Đó là những bức điện cuối cùng nhắn lại sau khi con tàu tự hủy, 18 đồng chí trên tàu đã hy sinh nhằm giữ bảo mật cho đồng đội.

Theo những dòng nhật ký của bà Bảy Thu, mỗi khi nước lớn thường có bốn năm chiếc tàu không số lại cập bến, đa phần các con tàu không số đều có trọng tải khoảng 70 tấn.

Lương thực chính cho các đồng chí trên tàu là món thịt luộc trộn cùng với nước mắm. Sau khi tải vũ khí chi viện cho miền Nam thì các con tàu không số lại tiếp tục hành trình trở ra Bắc.

Lượt về các tàu không số này do “hết hàng” nên cứ nổi cao trên mặt nước, sợ địch phát hiện nên các đồng chí đã mưu trí cưa gỗ đước (một loại gỗ chỉ có ở vùng biển miền Nam) chất đầy trên các tàu và khẫm sâu xuống nước để địch khỏi phát hiện.

Những dòng ký ức được bà Bảy Thu ghi nhận thực tế vào năm 1962,  khi đang cùng đồng đội trên đoàn tàu không số.
Những dòng ký ức được bà Bảy Thu ghi nhận thực tế vào năm 1962, khi đang cùng đồng đội trên đoàn tàu không số.

Quan trọng hơn, khi các tàu không số này trở về Bắc thì tất cả gỗ đước phải được bí mật phi tang bởi ở miền Bắc chẳng có loại gỗ đước như trên. Hoạt động của các đồng chí trên tàu không số phải tuyệt đối giữ đúng nguyên tắc: “Nếu ai đã có vợ, có chồng thì đúng 5 năm mới được ký lệnh về phép một lần”. Mỗi tàu không số đều được lắp đặt sẵn chất nổ, mìn tự phá hủy nếu chẳng may gặp sự cố.

Bà Bảy Thu nhớ rất rõ chiếc tàu không số cập bến tại Rạch Gốc (mũi Cà Mau) bị mắc cạn nhưng tất cả bộ đội của ta đã hóa trang hoàn toàn giống y như Hải quân địch. Trên bầu trời lúc này có hàng chục máy bay địch cứ “đảo” liên tục.

Bất ngờ, có máy bay địch tiếp cận hỏi: “Có cần chi viện không, tàu số mấy”? Do tất cả mọi số hiệu của tàu địch được các đồng chí của ta thuộc nằm lòng nên trả lời rất nhanh, chính xác, tự tin, thế là mọi việc đảm bảo an toàn, cùng với sự tích cực của người dân và đồng đội nên chỉ phút chốc tất cả số vũ khí được bảo mật đưa vào kho, mặc cho địch bắn pháo sáng suốt cả đêm để truy tìm khi chúng biết mình đã mắc lừa.

Đồng chí Tư Mau (tức là Phan Văn Nhờ) nhiều lần chuyển vũ khí trót lọt nên luôn là tầm ngấm của địch, được Trung ương chuyển công tác về hoạt động nội thành và vào vai một Tư sản ở Sài Gòn tại nhà số 20/27, đường Âu Dương Lân, quận 8, TP.HCM. Ông sinh năm 1926 và đã mất ngày 5/2/1991.

Lúc này, đ/c Tư Mau có diện mạo rất dễ để bị địch nhận diện, người thấp, mũi tẹt, chân mày thưa, đặc biệt là đầu hói, rất ít tóc nên Trung ương đã đưa đồng chí sang tận Liên Xô để cải trang lại gương mặt. Sau khi Tư Mau được nâng mũi, xăm mày, cấy tóc và trở lại Sài Gòn tiếp tục hoạt động trong lòng địch.

Hàng ngày đ/c Tư Mau nhận thu mua tôm, cua, cá từ các tỉnh, đa phần những chiếc ghe này đều được thiết kế đóng hai đáy, phía trên chứa thủy sản, đáy phía dưới chỉ chứa toàn vũ khí. Để giúp cho việc “kinh doanh” thuận lợi nên đồng chí Tư Mau giao lưu và quen hết với Nha cảnh sát Sài Gòn.

Người luôn kề cận bên Tư Mau là đồng chí Quách Thị Hiểm (tên kháng chiến của bà là Quách Thị Ánh Tuyết, SN 1952), vợ của đồng chí Hồ Thanh Bình, SN 1951 (đồng chí Bình là con của Anh hùng quân đội Hồ Đức Thắng và ông Thắng mất năm 2005).

Vợ ông Tư Mau là bà Nguyễn Thị Tư (SN 1926), đang bên con cháu,  hiện sống tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Vợ ông Tư Mau là bà Nguyễn Thị Tư (SN 1926), đang bên con cháu, hiện sống tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Đ/c Ánh Tuyết làm người giúp việc cho đ/c Tư Mau, nhưng nhiệm vụ chính là trực tiếp làm giao liên từ cơ sở, căn cứ báo lại cho đ/c Tư Mau và đ/c Lê Đức Anh. Từ năm 1972 đến tháng 12/1973 thì bị địch bắt do bị lộ.

Dù đ/c Tuyết bị tra tấn, đánh đập chết đi rồi sống lại, có lúc không nghĩ mình còn sống, nhưng đồng chí quyết không khai nửa lời. Ngay thời điểm đ/c Tuyết bị địch bắt thì đ/c Tư Mau đã đưa đ/c Lê Đức Anh ra Hà Nội công tác, thoát khỏi sự bao vây của Nha cảnh sát.

Đến ngày 30/04/1975, đ/c Tuyết được tự do và trở về căn nhà cũ ở quận 8,  được đồng chí Tư Mau đưa đi điều trị vết thương.

Chia tay Cựu chiến binh Bảy Thu cùng các đồng đội khác, chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ câu nói tự hào của bà trong những ngày tham gia kháng chiến trên đoàn tàu không số: “Người không đông, đất không rộng nhưng dân tộc ta đã đánh tan nhiều Đế quốc lớn mạnh xâm lược. Thể hiện khí phách anh hùng, ghi lại những trang sử vẻ vang của dân tộc ta”.

Công Hà
 

Đọc thêm