Tiết lộ sốc của WikiLeaks: Điện thoại thông minh thành… công cụ do thám

(PLO) - WikiLeaks - một trang mạng nổi tiếng chuyên thu thập và công bố những tài liệu bị rò rỉ của các chính phủ trên thế giới - vừa đưa ra một thông tin rúng động khi công bố hàng nghìn tài liệu phơi bày các phương thức theo dõi của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thông qua điện thoại thông minh, ti vi có kết nối Internet hay thậm chí các phần mềm diệt virus. 
Tiết lộ sốc của WikiLeaks: Điện thoại thông minh thành… công cụ do thám

Trong đợt công bố đầu tiên, WikiLeaks đề cập đến hàng nghìn trang web và file đính kèm, trong đó lột tả các công cụ phần mềm tinh vi được CIA sử dụng để xâm nhập nhiều loại thiết bị điện tử và phần mềm. Nếu tài liệu này là xác thực, đây sẽ là bước đi mới nhất của WikiLeaks trong việc công khai các bí mật của Mỹ và sẽ là đòn giáng mạnh nhằm vào CIA – tổ chức tình báo luôn duy trì tiềm lực xâm nhập mạng cho mục đích do thám. 

Điện thoại mất an toàn

Một tài liệu của Wikileaks cho biết, CIA và các cơ quan tình báo đồng minh nước ngoài đã tìm cách phá mã khóa trên các điện thoại thông dụng, những dịch vụ tin nhắn dựa trên các ứng dụng như Signal, WhatsApp và Telegram. Theo tuyên bố của WikiLeaks, các tin tặc chính phủ có thể xâm nhập các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android và thu thập “âm thanh, tin nhắn trước khi chúng được mã hóa”. 

Nhiều chi tiết liên quan đến các chương trình theo dõi khác của CIA cũng được tiết lộ. Theo Business Insider, WikiLeaks cáo buộc CIA đã hợp tác với cơ quan tình báo MI5 của Anh để phát triển một chương trình có tên là “Weeping Angel”. Mục đích của chương trình này là bí mật biến các thiết bị như TV thông minh trở thành máy thu âm trong khi chúng dường như đang bị tắt.

“Sau khi xâm nhập, Weeping Angel sẽ đặt TV vào chế độ “giả vờ tắt” (Fake-Off Mode) để khiến chủ sở hữu nghĩ rằng TV đã được tắt đi trong khi sự thật là chúng vẫn hoạt động”, WikiLeaks cho biết, “Trong chế độ “giả vờ tắt”, TV sẽ bí mật thu âm lại các cuộc đối thoại trong phòng và gửi qua đường Internet về một máy chủ của CIA”. 

CIA đã nghiên cứu phương thức xâm nhập các hệ thống điều khiển trên xe ô tô và xe tải, mà WikiLeaks cáo buộc là có thể được sử dụng để tiến hành “những vụ ám sát gần như không thể phát hiện”. Các tài liệu được công bố cũng cho thấy một đơn vị khác của CIA đã thiết kế những phần mềm độc hại để kiểm soát và lấy cắp thông tin từ iPhone.

Theo WikiLeaks, các thiết bị này nhận được mối quan tâm đặc biệt vì sự phổ biến của điện thoại thông minh trong giới tinh hoa ngoại giao và kinh doanh. Các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android cũng không nằm ngoài tầm ngắm. Nếu chính xác, loạt tài liệu vừa được tung ra của WikiLeaks sẽ có thể cung cấp một cái nhìn chưa từng có về các hoạt động ngầm của CIA từ trước đến nay.

Các tài liệu đề cập tới mọi hoạt động của CIA từ việc lợi dụng “zero-day” (một lỗ hổng phần mềm không được tiết lộ) trên các smartphone cho tới các cách được CIA sử dụng để tránh khỏi các cuộc điều tra pháp lý. 

Tivi cũng là “gián điệp”

Trở lại năm 2015, Samsung đã từng cảnh báo người dùng về việc quyền riêng tư có thể bị xâm phạm khi sở hữu một chiếc Smart TV có microphone được tích hợp ở bên trong. “Làm ơn biết rằng nếu cuộc trò chuyện của bạn chứa các thông tin cá nhân và nhạy cảm, chúng có thể bị thu lại và gửi cho bên thứ 3 khi bạn sử dụng tính năng “Nhận dạng giọng nói” (Voice Recognition)”, chính sách bảo mật của Samsung ghi rõ. 

Các tài liệu mới nhất mà WikiLeaks cho thấy sự khác biệt quan trọng với những phát hiện năm 2013 của cựu nhân viên CIA Edward Snowden. Các tài liệu của Snowden phần lớn đề cập chương trình theo dõi điện thoại và thiết bị có kết nối Internet của cơ quan an ninh Mỹ, còn WikiLeaks mô tả các phương thức xâm nhập các thiết bị cá nhân. Báo cáo của WikiLeaks cho hay CIA có thể thu thập thông tin trước khi chúng được mã hóa mà không phải tìm cách bẻ khóa hay qua mặt các công ty công nghệ. 

Các thông tin mà Snowden đã tiết lộ cách đây 4 năm đã gây phản ứng dữ dội trên Thung lũng Silicon, khiến các công ty công nghệ đẩy mạnh đầu tư cải thiện công cụ mã hóa cũng như sửa chữa những lỗ hổng an ninh nhằm bảo vệ thông tin cũng như quyền riêng tư của người dùng trên khắp thế giới.

Việc mã hóa ứng dụng cho tin nhắn cá nhân, chẳng hạn như Signal, Telegram và WhatsApp trở nên ngày càng phổ biến. Trong những ngày sau cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, Signal là một trong số các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên các thiết bị của Apple và số lượt tải xuống đã tăng hơn 300%. 

Chính quyền Mỹ đã nhiều lần phàn nàn rằng làn sóng mã hóa sau vụ Snowden làm suy yếu khả năng điều tra các loại tội phạm nghiêm trọng như khủng bố và khiêu dâm trẻ em. Cục Điều tra Liên bang (FBI) năm 2016 đã kiện Apple và buộc hãng công nghệ này phải mở khóa chiếc iPhone của trùm khủng bố San Bernadino.

Dù vậy, hiện vẫn chưa thể xác nhận được tính xác thực của tất cả các tài liệu vừa được WikiLeaks công bố. WikiLeaks không tiết lộ nguồn cung cấp thông tin, chỉ nói rằng những tài liệu này – được gọi tên là “Vault 7”, đã được phổ biến trong giới tin tặc thuộc Chính phủ Mỹ và các nhà thầu theo một cách thức không được phép. Một người trong số này đã cung cấp cho WikiLeaks dữ liệu, với mong muốn kích hoạt một cuộc thảo luận công khai về an ninh, thiết lập, sử dụng, phổ biến và kiểm soát dân chủ liên quan đến vũ khí mạng. 

Số tài liệu này được CIA lưu hành trong khoảng thời gian từ năm 2013-2016 và được WikiLeaks mô tả là “đợt công bố thông tin lớn nhất về tài liệu mật của CIA”. Người phát ngôn của CIA Dean Boyd cho biết, cơ quan này không bình luận về tính chân thực cũng như nội dung các tài liệu tình báo có chủ đích… 

Đọc thêm