Tiêu thụ nông sản vùng dịch: Chú trọng thị trường nội địa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Không có lý gì, thị trường Nhật Bản đã công nhận mà người tiêu dùng nội địa lại quay lưng với vải thiều”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh và cho rằng một khi nội địa bán được nhiều, giá xuất khẩu có thể tăng vì lượng cung giảm…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (phải) vào tâm dịch Bắc Giang bàn giải pháp tiêu thụ vải thiều.  Ảnh: Văn Giang
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (phải) vào tâm dịch Bắc Giang bàn giải pháp tiêu thụ vải thiều. Ảnh: Văn Giang

Khi những ca F0 vẫn không ngừng tăng lên ở tâm dịch Bắc Giang, Tư lệnh ngành Nông nghiệp đã có chuyến công tác đặc biệt đến với Bắc Giang, khi mà chỉ còn 10 ngày nữa vải thiều Lục Ngạn vào chính vụ. “Đây là lúc tổng lực ra quân, vì tình hình cấp bách, bà con cũng đang rất nóng ruột” , Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng cho biết, khi hay tin ông đến tâm dịch COVID-19, rất nhiều bà con nông dân trên khắp cả nước bày tỏ sự quan tâm tới chuyến đi. “Tôi tin, tất cả đều muốn quả vải của tỉnh ngày một tốt hơn, được biết đến rộng rãi hơn”, Bộ trưởng quả quyết.

Ông cũng chia sẻ cảnh nhiều xe tải ghi “giải cứu nông sản” gặp trên đường vào đất vải Lục Ngạn. Điều này khiến ông trăn trở, bởi vải thiều Lục Ngạn là nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm được đánh giá cao không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn cả quốc tế. Theo Bộ trưởng, dùng từ “giải cứu” khiến người nông dân tổn thương, thậm chí làm giảm chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, nó có thể khiến mọi người hiểu lầm…

Việc xuất hiện những thông tin trái chiều về quả vải như giá vải xuống thấp, hay chậm trễ vận chuyển từ vùng thu hoạch tới tay người dùng, theo Bộ trưởng Hoan, là ở việc phi đối xứng thông tin, là do giữa cung và cầu không thông suốt, dẫn đến những cái nhìn sai lệch.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, ông Dương Văn Thái cho biết, hiện Bắc Giang đang vào đầu vụ thu hoạch vải thiều. Trong tổng số 40.000 tấn vải sớm, Bắc Giang đã tiêu thụ được 20.000 tấn. Theo Bí thư Thái, hiện việc tiêu thụ vải tương đối thuận lợi vì sản lượng còn ít, vải thiều xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, điều Bắc Giang lo nhất là từ ngày 10/6, vào chính vụ thu hoạch, sản lượng lên tới 140.000 tấn, ước tính mỗi ngày có đến 10.000 - 20.000 tấn vải thiều cần được tiêu thụ ra khỏi tỉnh.

“Vải chất lượng rất tốt, XK sang Nhật Bản tiêu thụ nhanh, giá tốt, lên đến 350.000 - 400.000 đồng/kg. Đầu vụ, việc XK vẫn thuận lợi nhưng khi thu hoạch rộ, chúng tôi tính đến phương án tiêu thụ nội địa 70%, XK 30%”, ông Thái cho biết.

Để đạt mức tiêu thụ trong nước 70%, lãnh đạo Bắc Giang bày tỏ, tỉnh đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương và hiệp hội. Tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ có thể cho Bắc Giang giấy phép thông hành, tỉnh sẽ cấp cho các xe vải giấy chứng nhận khẳng định vải an toàn, lái xe có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Khi các xe có giấy chứng nhận của UBND tỉnh, thì các địa phương cho một luồng xanh để đi không phải dừng lại kiểm dịch qua mỗi địa phương…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc tổng lực của nhiều tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... Đồng thời đề nghị tỉnh Bắc Giang và các đơn vị liên quan làm việc khẩn trương với các đơn vị vận chuyển, kể cả bưu điện để làm thế nào tăng cường chân rết tới từng ngõ ngách, để quả vải đến tận tay người mua.

“Không có lý gì, thị trường Nhật Bản đã công nhận mà người tiêu dùng nội địa lại quay lưng với vải thiều”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng một khi nội địa bán được nhiều, giá XK có thể tăng vì lượng cung giảm…

Trong dài hạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, trong đó thí điểm ưu tiên cho các hợp tác xã ở Bắc Giang nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã nâng cao công nghệ sơ chế, chế biến, năng lực logistics của hợp tác xã, từ đó giúp người dân chủ động tiêu thụ nông sản trong bất kỳ tình huống nào. Đồng thời sẽ thiết lập thông tin hai chiều để cung cấp đầy đủ thông tin về sản lượng, thời điểm thu hoạch cho các đơn vị phân phối, không đợi đến khi thu hoạch rồi mới thấy thừa hay thiếu.

Đọc thêm