Tìm cách thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngay khi vừa có tín hiệu le lói đơn đặt hàng tăng trở lại, sau 4 tháng liên tục giảm thì sản xuất công nghiệp đã lại rơi vào thế khó. Đáng chú ý, nhiều địa phương vốn có thế mạnh về sản xuất công nghiệp đã giảm mạnh, trong đó có địa phương giảm đến hơn 30%.
Sản xuất công nghiệp đang giảm mạnh ở nhiều địa phương có thế mạnh.
Sản xuất công nghiệp đang giảm mạnh ở nhiều địa phương có thế mạnh.

Nhiều địa phương thế mạnh sụt giảm

Báo cáo quý I về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại của Bộ Công Thương cho thấy, quý I/2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023. Đáng chú ý, trong quý I/2023, công nghiệp chế biến chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%.

Báo cáo cũng cho thấy, ngay từ đầu năm 2023, năng lực sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu suy yếu với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 14,6% so với tháng trước đó và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Bước sang tháng 2/2023, do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm tác động đến số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. Sang tháng 3/2023, mặc dù sản xuất công nghiệp có sự phục hồi so với tháng trước khi IIP tăng 9,6% so với tháng 2/2023 nhưng tính chung quý I/2023, IIP giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%).

Báo cáo cũng cho thấy, có 48 địa phương có IIP quý I/2023 tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương có Chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng như Cao Bằng tăng cao nhất với 26,8%; tiếp theo là Tuyên Quang tăng 22,6%; Hải Phòng tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,6%... Trong khi đó, một số địa phương vốn có thế mạnh về công nghiệp chế biến chế tạo lại có Chỉ số IIP giảm như Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I năm 2023 cũng giảm so với cùng kỳ năm trước như ô tô; thép thanh, thép góc; xe máy; linh kiện điện thoại; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động; quần áo mặc thường; xi măng; phân urê; khí đốt thiên nhiên dạng khí.

Cũng theo báo cáo này, quý I năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,6%); Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 4,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I năm 2023 là 81,1% (bình quân quý I năm 2022 là 79,9%).

Sẽ làm việc với một số địa phương trọng điểm về công nghiệp

Bộ Công Thương đánh giá, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng mạnh và nhanh, dẫn đến sản xuất công nghiệp quý I/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, nguyên nhân của suy giảm sản xuất công nghiệp là do giá nguyên liệu đầu vào, giá năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao. Điều này đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định...

Trong khi đó, sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm; Thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Bộ Công Thương dự báo, trong thời gian tới, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, vẫn có những dấu hiệu tích cực như một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; Một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan; Chỉ số sản xuất công nghiệp dù giảm nhưng có xu hướng tăng dần qua các tháng; Nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… Đây được đánh giá là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.

Để giải quyết tình trạng sản xuất công nghiệp giảm mạnh, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trước mắt, Bộ sẽ bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực; Sẽ tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; Đồng thời tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn toàn cầu; Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Đọc thêm