Tìm cách thúc đẩy thương mại biên giới dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế tình trạng hàng hóa tắc nghẽn tồn đọng tại các cửa khẩu, nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp, phương án thông quan đảm bảo an toàn tại các cửa khẩu, lối mở.
Tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ đầu năm đến ngày 14/9, lượng hàng hóa qua các cửa khẩu chỉ đạt 582.657 tấn
Tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ đầu năm đến ngày 14/9, lượng hàng hóa qua các cửa khẩu chỉ đạt 582.657 tấn

Do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, hoạt động thương mại biên giới đã gặp nhiều khó khăn trong một thời gian dài. Từ đầu năm đến nay, tại các cửa khẩu, lối mở ở các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh và Lạng Sơn..., việc giao lưu hàng hóa bị đình trệ, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp.

Nhiều cửa khẩu ngưng hoạt động

Trung Quốc đã tiếp tục thắt chặt đáng kể các hạn chế để ngăn chặn biến chủng Omicron có khả năng lây lan cao. Các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại dẫn tới việc thiếu lái xe, doanh nghiệp, chủ hàng, người làm thủ tục hải quan... do đó việc thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu bị chậm, đôi khi xảy ra tắc nghẽn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức thực hiện Lệnh 248, 249. Theo đó, cơ quan Hải quan phía Trung Quốc siết chặt quản lý hàng hóa nhập khẩu liên quan đến các vấn đề về xuất xứ, bao bì, nhãn mác, chất lượng thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.

"Điều này đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc, thậm chí có thời điểm gây ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua”, ông Hoàng Chí Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho hay.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2022 của tỉnh Lào Cai ước đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 39,4% so với cùng kỳ 2021.

Tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ đầu năm đến ngày 14/9, tổng trọng lượng hàng hóa qua các cửa khẩu cũng chỉ đạt 582.657 tấn, giảm nhiều so cùng kỳ 2021. Tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh) - Lý Hỏa (Trung Quốc) cũng đã dừng hoạt động từ ngày 28/9 đến hết ngày 7/10/2022.

Trong khi đó, tại tỉnh Lạng Sơn hiện chỉ còn 4/12 cặp cửa khẩu là Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc); Cửa khẩu phụ Tân Thanh (Văn Lãng); cửa khẩu song phương Chi Ma (Lộc Bình) và ga đường sắt Đồng Đăng, cơ bản duy trì hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Các tỉnh nghĩ cách hỗ trợ doanh nghiệp

Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế tình trạng hàng hóa tắc nghẽn tồn đọng tại các cửa khẩu, nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp, phương án thông quan đảm bảo an toàn tại các cửa khẩu, lối mở.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, để giúp các xe hàng thông quan và bảo đảm các điều kiện phòng dịch phía Trung Quốc, thành phố đã chỉ đạo các ngành, khối cửa khẩu triển khai phương án quản lý làm việc khép kín tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II, Lối mở km3+4 Hải Yên; đồng thời thiết lập “Vùng xanh an toàn”, triển khai hệ thống phun khử khuẩn tự động, tăng cường công tác phối hợp, quản lý giữa các ngành liên quan, phù hợp với chiến lược “Zero Covid” của phía bạn, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ở Lào Cai, các ngành chức năng cũng đã điều chỉnh giảm mức thu phí sử dụng hạ tầng tại cửa khẩu đối với các phương tiện vận chuyển nông sản, lâm sản, khoáng sản. Thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi thông tin liên lạc với phía Hà Khẩu (Trung Quốc), thiết lập đường dây nóng 24/7 giữa hai bên để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, hai bên cũng thành lập Tổ công tác chuyên trách để trao đổi, gặp mặt và tổ chức các chương trình Hội đàm trực tuyến kịp thời để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Trung Quốc đã nới lỏng xét nghiệm COVID-19 đối với mặt hàng đông lạnh xuất khẩu qua cửa khẩu Chi Ma

Trung Quốc đã nới lỏng xét nghiệm COVID-19 đối với mặt hàng đông lạnh xuất khẩu qua cửa khẩu Chi Ma

Phía Trung Quốc, mới đây ngành chức năng của nước này cũng đã nới lỏng xét nghiệm COVID-19 đối với mặt hàng đông lạnh xuất khẩu qua cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm. Tại đây, hàng hoá đông lạnh có rủi ro thấp không cần thực hiện khử khuẩn phòng ngừa COVID-19 khi xuất khẩu sang Trung Quốc...

Thời điểm này cũng là cao điểm của việc trao đổi, mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu vực biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Do đó, các cơ quan chức năng của hai nước cần nhanh chóng triển khai các giải pháp, chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động thương mại khu vực biên giới đạt hiệu quả.

Đọc thêm