Tìm chiến lược khuếch trương thương hiệu biển Việt

Tài nguyên du lịch biển "hơn đứt" Thái Lan nhưng hiệu quả thu hút du khách lại thua xa quốc gia láng giềng, thương hiệu biển Việt Nam đang cần một chiến lược đầu tư xứng đáng.


Tài nguyên du lịch biển "hơn đứt" Thái Lan nhưng hiệu quả thu hút du khách lại thua xa quốc gia láng giềng, thương hiệu biển Việt Nam đang cần một chiến lược đầu tư xứng đáng.


“Vẻ đẹp mãi tiềm ẩn”

PGS-TS Phạm Trung Lương (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã nhiều năm trăn trở của về việc xây dựng thương hiệu cho biển Việt Nam. Ông băn khoăn: “Vài năm trở lại đây chúng ta đều nói đến thương hiệu cho biển Việt Nam. Nhưng xây dựng thương hiệu trên điều kiện nào ? Ai làm thương hiệu ? Và làm bắt đầu từ đâu ?”

Ông Phạm Văn Mỵ - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên Môi trường) trần tình: “Cục biển và hải đảo được Bộ TNMT giao trách nhiệm xây dựng dự án quảng bá thương hiệu biển Việt Nam. Nhưng đây là vấn đề khó làm, vì còn quá mới. Muốn xây dựng thương hiệu biển Việt Nam trước hết chúng ta phải xây dựng được thương hiệu từng vùng miền. Phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân…”.

Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận đưa ra ví dụ: “Khi  Tạp chí National Geographic (Mỹ) xếp bãi biển Mũi Né và Nha Trang vào top những bãi biển “tệ” nhất thế giới, thì chúng ta phản ứng  chậm chạp và không có những giải pháp tốt để bảo vệ thương hiệu biển Việt Nam, làm ảnh hưởng nặng nề đến du lịch biển mà có khi phải mất mấy chục năm mới làm nên”.

Ông Chính cho biết thêm: “15 năm qua Bình Thuận mới hình thành được thương hiệu Mũi Né. Biển Mũi Né giờ là thương hiệu vùng, không còn riêng của Bình Thuận. Làm du lịch biển mà không tạo ra được thương hiệu thì sẽ thất bại. Xây dựng được thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu còn khó gấp nhiều lần”.

Dù có nhiều ý kiến lo ngại như vậy, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Nguyễn Phú Đức vẫn tin tưởng chúng ta sẽ có thương hiệu biển ấn tượng với du khách năm châu, ông đưa ra một sơ đồ cơ cấu tạo nên thương hiệu biển Việt Nam, mà trong đó có cả cộng đồng dân cư, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch đều là nhân tố tạo nên thương hiệu biển.

Hạ tầng lạc hậu, dịch vụ yếu kém

“Hạ tầng cơ sở là một trong những cản trở lớn nhất của thương hiệu du lịch biển Việt Nam hiện nay” – TS Đỗ Cẩm Thơ, Viện nghiên cứu phát triển du lịch nhận định.

TS Thơ cho rằng, sở dĩ chúng ta chưa đưa được thương hiệu biển Việt Nam ra thế giới là do chúng ta chưa có cơ sở hạ tầng bài bản. TS Thơ so sánh, ở Thái Lan có đến 109 sân bay, trong đó có đến 9 sân bay quốc tế. Tương tự, các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan không chỉ có nhiều cảng hàng không mà còn nhiều cảng biển lớn có thể đón tàu du lịch thuận lợi. Trong khi đó, Việt Nam chưa có một cảng biển du lịch nào.

Không những thế, vấn đề ô nhiễm môi trường biển hiện nay rất phổ biến. Có lúc biển Mũi Né phải hứng chịu hàng chục tấn rác từ ngoài biển dạt vào bờ. Có những resort hiện nay xem nhẹ việc bảo vệ môi trường biển. Đây cũng là những hành vi dễ mất lòng du khách, khiến họ không quay trở lại biển Việt Nam.

Một mặt khác, tiếng là “Thủ đô resort” của Việt Nam, nhưng nhiều du khách quốc tế đến Mũi Né than phiền không biết sản phẩm gì ngoài nghỉ dưỡng. Bà Daria Vishukova –một chuyên gia du lịch quốc tế -  cho rằng, sản phẩm du lịch Mũi Né chưa nhiều, nên nhiều du khách đến Mũi Né không trở lại nữa. Tương tự, ở Bà Rịa- Vũng Tàu, chỉ trong tháng 3 vừa qua có đến 5.000 khách quốc tế đến bằng tàu biển, lưu lại TP.Vũng Tàu và vùng lân cận chừng 10 tiếng đồng hồ để mua sắm, nhưng du khách khó lòng mà tìm được những sản phẩm đặc thù Việt Nam.

“Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam thì sở dĩ Thái Lan là điểm đến của nhiều du khách quốc tế là vì họ có sản phẩm du lịch biển chất lượng. Tuy nhiên, xét về tài nguyên du lịch biển thì Thái Lan còn thua xa Việt Nam” - TS Đỗ Cẩm Thơ nhận định.

Tuấn Ngọc

Đọc thêm