Tìm chỗ đứng trong “sân chơi” của doanh nghiệp FDI

(PLVN) - Làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) đang có xu hướng chuyển dời nhà máy đến Việt Nam. Với sự dịch chuyển này, đường nào để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ  (CNHT) có thể tiếp cận với chuỗi cung ứng sản xuất của DN FDI?
Hơn 90% phụ tùng ô tô lắp ráp hiện do các công ty mẹ hoặc công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp tại Việt Nam
Hơn 90% phụ tùng ô tô lắp ráp hiện do các công ty mẹ hoặc công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp tại Việt Nam

Chưa đạt chuẩn để tham gia chuỗi sản xuất

Năm 2018, có khoảng 2.000 DN  hoạt động trong lĩnh vực CNHT chuyên về sản xuất phụ tùng, linh kiện và trên 1.500 DN sản xuất vật liệu cho ngành dệt may, da giày (chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngành CNHT tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. 

Ví dụ, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô cung ứng trên thị trường còn kém. Đa số chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7-10%. Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Trong khi, để làm một chiếc ô tô phải cần từ 30.000 - 40.000 linh kiện.

Theo số liệu thống kê, hiện mới chỉ có 14% DN Việt Nam thành công trong việc thu hút vốn đầu tư từ các DN nước ngoài, trong số đó, chỉ có 21% DN đã trở thành nhà cung ứng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ này cũng có dấu hiệu cải thiện nhưng tốc độ rất chậm. Một số liệu khác cho thấy, chỉ 26,6%  nguyên liệu đầu vào của khu vực DN FDI được mua tại Việt Nam, trong đó, một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các DN FDI khác. 

Rất nhiều DN FDI đã từng cho biết, “tìm đỏ mắt” mà không thấy các nhà cung ứng Việt Nam đâu. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung điện tử Việt Nam cho biết, số lượng nhà cung cấp nội địa cho Samsung thời gian gần đây cũng không tăng. Đây là vấn đề mà các bộ, ngành cũng đã nhiều lần lên tiếng. Đa phần đều cho rằng, nguyên nhân là do năng lực của DN còn yếu kém, chưa đạt đến tiêu chuẩn để có thể lọt vào chuỗi sản xuất của DN FDI. 

PGS.TS Phan Đăng Tuất - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội CNHT Việt Nam cho biết, điểm yếu của DN trong lĩnh vực CNHT Việt Nam là nguồn nhân lực, năng lực thương mại, năng lực tổ chức và năng lực hấp thụ vẫn còn yếu. Ngoài ra, một số DN chưa chủ động kết nối với khu vực FDI; chưa cải thiện được mạnh mẽ khả năng tham gia xuất khẩu trực tiếp, nhất là trong các ngành chế tạo. 

Thang điểm của DN FDI ngày một cao

Thực trạng sản xuất ở Việt Nam cho thấy, các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ “đất mẹ” hơn là việc sử dụng nguyên liệu từ nhà cung cấp là các DN tư nhân trong nước. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Đình Tiến - Quản lý Dự án kết nối DN nhỏ và vừa (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) là do DN FDI đi tìm các nhà cung cấp CNHT nội địa không phải là dễ. 

Chưa kể đến việc các DN FDI đầu tư vào Việt Nam, họ đến và mang theo các nhà cung ứng của họ càng khiến cho tỷ lệ DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các DN FDI rất thấp, nếu không cải thiện thì việc có thể lọt vào chuỗi cung ứng cho DN FDI chỉ là tương lai xa vời. Cùng với đó, các DN FDI lớn như Samsung, Toyota, Ford... cũng phải tự xây dựng các bảng chấm điểm các nhà cung cấp và đưa ra các yêu cầu cụ thể để tìm kiếm DN hỗ trợ từ Việt Nam khiến tỉ lệ sử dụng DN CNHT nội địa Việt Nam trở nên thấp hơn. 

Ông Phan Đăng Tuất cho rằng, để rộng cửa cho DN trong lĩnh vực CNHT Việt Nam có thể vào chuỗi cung ứng của các DN FDI thì CNHT Việt Nam cần phát triển theo “bầy đàn”. Cụ thể, các DN nội địa cần kết nối hiệu quả với nhau. Ông Tuất ví dụ, hiện nay, việc sản xuất bộ chứa khí cho xe máy Yamaha cần đến sự kết hợp của 28 DN để làm ra sản phẩm cuối cùng. 

“Điều này tương tự như một cụm CNHT gắn kết với nhau để đưa ra các sản phẩm linh kiện cho xe Yamaha. Và khi Yamaha ra một nhãn xe khác, họ sẽ thay đổi bộ chứa khí thì khi đó 28 DN CNHT này lại phải ngồi lại với nhau để đưa ra chiến lược sản xuất. Đây là điều quan trọng nhất của CNHT nhưng DN Việt Nam vẫn không làm được. Các DN CNHT trong nước phát triển phân tán, rời rạc, mỗi “ông” ở một nơi nên không thể kết nối được”, ông Tuất nhận định và cho rằng, trước khi kết nối với DN FDI thì chính các DN trong nước phải kết nối với nhau. 

Bà Trần Thị Thu Trang - Giám đốc Công ty Hanel – PT cũng lưu ý, để có thể trở thành nhà cung ứng cho chuỗi sản xuất của DN FDI, các DN nội địa cần phải hợp nhau lại. DN đôi khi cũng cần phải “mua chung” để tìm được nguyên liệu tốt nhất với giá cả cạnh tranh nhất, nếu không thì xác định “thua ngay từ khâu đầu vào”.

Đọc thêm