Tiêu thụ khó khăn vì dịch Covid 19
Sau Tết Nguyên đán, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bước vào vụ thu hoạch nông sản, trong đó có Hợp tác xã Liên Gia Trang, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê. Theo cam kết trước đó, doanh nghiệp từ Hải Dương sẽ tiến hành thu mua hành lá của bà con nông dân. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, các đơn vị bao tiêu sản phẩm ở tỉnh Hải Dương chưa thể đến thu mua đã khiến nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ mất trắng.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ đã tìm kiếm thị trường, kết nối cung cầu với doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Tưởng chừng như nông sản không thể tiêu thụ, bà con nông dân hợp tác xã Liên Gia Trang đã có thể thở phào sau khi một số doanh nghiệp tại tỉnh Ninh Bình liên hệ thu mua. Một số hộ dân cho biết, sau khi hành lá được thu hoạch, trừ đi chi phí đã bỏ ra, họ lãi được từ 10 đến 15 triệu đồng trên mỗi sào.
|
Vụ mùa thắng lợi của bà con Hợp tác xã Liên Gia Trang |
Tuy nhiên, câu chuyện của hợp tác xã Liên Gia Trang chỉ là một điểm sáng trong việc tiêu thụ nông sản tại tỉnh Phú Thọ. Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 tái bùng phát, rất nhiều hộ dân đã chịu cảnh lao đao vì nông sản khó tiêu thụ, đặc biệt là với các hợp tác xã, đơn vị sản xuất có liên kết với các doanh nghiệp tại Hải Dương.
Trong buổi làm việc mới đây với Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã thừa nhận, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được trong năm qua, sản xuất nông nghiệp tại Phú Thọ còn một số tồn tại, khó khăn cần khắc phục như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm qua chế biến còn ít; liên kết giữa các hộ dân với doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản còn hạn chế; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo thấp... Chỉ là “một số”, nhưng đây lại là những điểm yếu, có thể kéo nền nông nghiệp địa phương đi chậm lại và vẫn chưa thể giải quyết triệt để, nhất là trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.
Tìm hướng đi bền vững
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trong nông nghiệp, nông thôn của địa phương, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã đưa ra nhiều giải pháp, xây dựng định hướng mới.
Trong đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp thông qua các chủ trương, nghị quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực, có tính đặc trưng vùng miền. Đặc biệt, việc liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm đã được chú trọng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân, các cơ quan liên quan đã tích cực đưa ra các giải pháp để nâng cao chuỗi giá trị nông phẩm, thúc đẩy quảng bá, tiếp thị. Cùng với đó, từ nhiều năm nay, tỉnh đã xác định người nông dân là chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, Hội nông dân tỉnh đã quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách tạo động lực cho nông dân, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Người dân được xác định là chủ thể trong phát triển nông nghiệp được thể hiện ngay trong vụ mùa thành công của bà con nông dân Hợp tác xã Liên Gia Trang. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Chủ tịch UBND xã Thụy Liễu cũng cho biết: các thành viên trong Hợp tác xã cũng đã có sự chủ động trong việc tìm kiếm đầu ra, liên hệ với một số doanh nghiệp thu mua sản phẩm.
Được mùa, mất giá vốn đã là vấn đề được đặt ra trong nhiều năm liền không chỉ tại Phú Thọ mà còn rất nhiều địa phương khác trên cả nước. Thế nhưng, trước khó khăn của đại dịch, không chỉ là “mất giá”, người nông dân còn có thể đứng trước nguy cơ “mất trắng” vì nông sản không có đường ra.
Từ thực tế tại Hợp tác xã Liên Gia Trang vừa qua cho thấy, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp và đặc biệt là sự chủ động, có trách nhiệm của chính người nông dân sẽ giúp nông sản có hướng đi bền vững, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.