Tìm động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

(PLVN) - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng gợi mở cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hôm nay (28/3), tại Quảng Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương”.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng gợi mở cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ xu hướng toàn cầu – tầm nhìn quốc gia – hành động địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh, tăng năng suất cần được thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, tức là chúng ta không thể có một chính sách chung cho tất cả. Đây là quá trình các địa phương phải tiến hành trên tinh thần đổi mới sáng tạo, cần đổi mới sáng tạo trong cả cách nghĩ và cách làm, cả tư duy và hành động để thích ứng với sự thay đổi rất nhanh của thực tiễn, đi thẳng vào phát triển những lĩnh vực của nền kinh tế xanh, tuần hoàn và kinh tế số; hết sức chú trọng khai thác và phát huy nguồn lực con người, bởi đây vừa là nguồn lực nội sinh nhưng chính là động lực phát triển quan trọng nhất mà chúng ta cần phải tính đến.

Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo là diễn đàn để các địa phương cùng chia sẻ, thảo luận những mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhất là từ thực tiễn huy động, phân bổ và quản lý các nguồn lực tại chỗ của địa phương kết hợp với nguồn lực của cả nước và bên ngoài, kể cả những tồn tại, vướng mắc, từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị có giá trị.

Các đại biểu thống nhất quan điểm: những biến cố, khủng hoảng là cơ hội để nhận ra những bất cập, điểm yếu và điều chỉnh một cách có hệ thống; phát huy đa dạng các nguồn lực với những cách thức riêng; coi trọng quản trị địa phương trên cả 3 trụ cột chính là thể chế - bộ máy – con người.

Từ đó đi sâu phân tích việc khơi thông, giải phóng các nguồn lực cụ thể như nguồn lực tài chính công, đất đai, nhân lực; thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính sách tài khóa; nguồn tài nguyên văn hóa; năng lực hấp thu công nghệ và tăng cường mối liên kết giữa các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế biển xanh; phục hồi ngành du lịch; nâng cao hiệu quả quản trị địa phương…

Các đại biểu cho rằng để phục hồi hiệu quả kinh tế-xã hội thì những gói kích cầu cần tập trung giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục để người lao động sớm được nhận và ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài; cần có chính sách để phát triển nhà ở cho công nhân và đánh giá cao sự kịp thời của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế 2022-2023 vừa được Quốc hội thông qua tháng 1/2022.

Tuy nhiên để đạt được hiệu quả thì cần phải giải ngân nhanh và sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ này, đồng thời kết hợp phát huy hiệu quả nguồn lực trong dân và doanh nghiệp.

Đọc thêm