Hội thảo do trường Đại học Cần Thơ phối hợp Báo Tiền Phong tổ chức.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 12/2023 đến nay, ĐBSCL hầu như không mưa, trời nắng kéo dài, tổng lượng dòng chảy từ sông Mê Kông về bị thiếu hụt khiến ĐBSCL trải qua mùa hạn, mặn khốc liệt. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Tính đến nay, mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016 – một trong những năm hạn, mặn “kỷ lục” ở ĐBSCL.
Các chuyên gia nhận định, ĐBSCL có thể phải đối mặt với nhiều mùa hạn mặn khốc liệt như năm nay hoặc hơn thế nữa trong tương lai.
|
Quang cảnh Hội thảo |
Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL đã xác định quan điểm “thuận thiên” để phát triển. Theo đó, phải tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Đồng thời, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn.
PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ phân tích, vấn đề hạn mặn diễn biến phức tạp, xâm nhập sâu vào các hệ thống kênh rạch do ảnh hưởng của thủy triều ở biển Đông và biển Tây, sự suy giảm nguồn nước từ thượng nguồn, lượng mưa giảm, lượng nước bốc hơi cao và do các yếu tố từ con người. Các địa phương đã thực hiện rất nhiều giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn nhưng tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường.
Ông Đỗ Minh Điền, Chi Cục phó Chi cục Thuỷ lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau chia sẻ, Cà Mau đưa ra giải pháp trước mắt là tăng cường, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, thường xuyên theo dõi mực nước trong kênh, khi thấp đến mức báo động thì báo với chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý. Đồng thời, thực hiện giảm trọng tải xe từ 8 tấn còn 5 tấn trên một số đường trên bờ kênh, để tránh sạt lở. Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp cấp nước sinh hoạt, đầu tư các công trình hỗ trợ trữ nước. Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định chi 10 tỷ đồng cho 3 huyện thiếu nước nghiêm trọng.
|
Ruộng lúa ở xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) bị khô cháy do thiếu nước |
Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đề ra 2 giải pháp: Bảo vệ nguồn nước cấp cho nước sinh hoạt của nhà máy nước TP Bến Tre và các khu công nghiệp. Song song đó, bảo vệ vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Thắm, Bến Tre được Bộ quy hoạch hệ thống thủy lợi Nam – Bắc khép kín. Phần Bắc Bến Tre cơ bản được đầu tư hoàn thiện, còn phần Nam Bến Tre nếu được đầu tư hệ thống thủy lợi cơ bản đảm bảo nguồn nước khi đó công tác phòng chống hạn mặn sẽ đỡ vất vả hơn.
Ông Ngô Minh Long – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang nói về kinh nghiệm địa phương: Tỉnh cập nhật liên tục thông tin cảnh báo và quán triệt, theo dõi thường xuyên và chuẩn bị nước sạch cho người dân. Nếu độ mặn tăng đột biến, địa phương sẽ cung cấp nước này cho người dân để phục vụ sản xuất. Các hệ thống cống trên địa bàn tỉnh hiện nay có người trực đảm bảo 24/24h; địa phương lập nhóm mạng xã hội để thông tin đo độ mặn thường xuyên. Về giải pháp sinh kế, tỉnh kết hợp với ĐH Cần thơ tập trung 10 trạm quan trắc tự động; mở rộng vụ mùa khô. Năm nay, địa phương đẩy lịch thời vụ sớm hơn 20 ngày để “né” mặn.
|
Thiếu nước trong ruộng lúa ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ và sinh kế của người dân |
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng, những năm qua, các dự báo, đầu tư công trình, chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT và các địa phương đã mang lại kết quả tốt, khi chủ động có dự báo sớm sẽ giảm rất nhiều tác động và thiệt hại. “Cần xem hạn mặn là thuộc tính của ĐBSCL, xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Cần quan tâm công tác dự báo, để chủ động. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn mặn”, ông Hoằng nhấn mạnh.