Tìm hướng phát triển bền vững các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

(PLVN) - Ngày 20/9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.
Toàn cảnh hội nghị

Tại chương trình, ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã có đóng góp rất lớn trong việc thu ngân sách và tạo việc làm cho lao động. Thực hiện Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 368 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp của cả nước, của Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại hội nghị

Ông Trần Duy Đông cho biết, thời gian vừa qua việc triển khai các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc còn gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực thi pháp luật liên quan đến khu công nghiệp; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; năng lực, kinh nghiệm của một số chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp còn hạn chế; hạ tầng một số khu công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao, giá thuê đất cao hơn so với mặt bằng chung một số tỉnh lân cận làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư.

Ông Trần Duy Đông mong muốn, hội nghị trao đổi, thảo luận tìm ra những giải pháp giải quyết các tồn tại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cản trở tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, khơi thông điểm nghẽn, phát triển bền vững khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện tốt quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình từ các khu công nghiệp truyền thống sang phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao, chuyên ngành.

Tỉnh Vĩnh Phúc cần lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai, trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, startup được hình thành và phát triển; phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội, bảo đảm bền vững về môi trường; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại ban quản lý khu công nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các khu công nghiệp.

Tại Hội nghị, ông Kenta Kawanabe - Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc chia sẻ: Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc được thành lập năm 2015, diện tích 213 ha đặt trên 2 xã Thiện Kế và Tam Hợp, huyện Bình Xuyên. Hiện nay, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc có 41 khách hàng thuê đất với diện tích 147.1 ha và 5 nhà xưởng với diện tích mỗi nhà xưởng khoảng 2.000 m² và đã được các khách hàng ký thời hạn thuê lâu dài.

Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc tập trung thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, ít gây ảnh hưởng môi trường và được đầu tư bởi các nhà đầu tư có tên tuổi lớn, có nhiều kinh nghiệm như TOTO, Daiwa, Tsuchiya...

Ông Kenta Kawanabe cho biết, trong thời gian tới, sẽ có nhiều công ty thứ cấp trong khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động. Do vậy, vấn đề lao động trở nên càng ngày càng thiết yếu. Công ty đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thu hút nguồn lao động, tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ. Ông Kenta Kawanabe mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc có các hoạt động để tăng nguồn lao động như tổ chức các buổi hội chợ việc làm hoặc làm đầu mối giới thiệu các trường đại học, cao đẳng, trường nghề...

Từ con mắt của nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, qua kinh nghiệm thực tiễn, ông Trịnh Văn Quang - Giám đốc phát triển dự án công ty cổ phần Vina-CPK, Chủ đầu tư khu công nghiệp Bá Thiện II tại huyện Bình Xuyên đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc sớm triển khai hoàn thiện các quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch phát triển khu công nghiệp để làm cơ sở cho việc rà soát và xây dựng kế hoạch triển khai việc nghiên cứu, lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án các khu công nghiệp mới.

Cùng với đó, phối hợp tích cực để giải quyết các vấn đề phát sinh về định giá đất, khung giá đất, giao đất cũng như phê duyệt cấp vốn cho các dự án tái định cư phục vụ cho dự án hạ tầng khu công nghiệp; đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để thực hiện các dự án; phát triển hạ tầng bên ngoài khu công nghiệp, để ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và người lao động như: điện sản xuất, nước sinh hoạt và sản xuất, nhà ở công nhân, giao thông công cộng…

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được 493 dự án đầu tư, trong đó có 117 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng số vốn đầu tư hơn 37.784 tỷ đồng; 376 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 6.742 tỷ USD thuộc 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư, giải quyết việc làm cho trên 140 nghìn lao động.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các dự án FDI đầu tư vào khu công nghiệp cơ bản có công nghệ trung bình, có một số dự án có công nghệ cao thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử, nhưng còn rất hạn chế. Ngành nghề chủ yếu là sản xuất linh kiện điện tử, ngành sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, lĩnh vực dệt may.

Vốn thực hiện của dự án đạt trung bình từ 60-65% so với tổng vốn đầu tư. Tiến độ triển khai dự án FDI đúng tiến độ theo đăng ký đầu tư, các dự án DDI, tiến độ thường chậm hơn so với FDI do các nhà đầu tư DDI gặp khó khăn trong thu xếp vốn triển khai dự án, đơn hàng không bền vững, mục tiêu dự án tập trung nhiều ở nhóm ngành xây dựng/cho thuê nhà xưởng dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động của thị trường và biến động kinh tế.

Đọc thêm