Đẩy nhanh tiến độ dự án chống sạt lở khẩn cấp khu dân cư Van Cà Vãi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự án Khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người dân. Dự án khởi công vào ngày 15/7 và dự kiến hoàn thành trước 31/10/2024 nhưng đến nay mới thi công đạt hơn 23%.

Những năm qua, tình trạng sạt lở núi Van Cà Vãi (tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra phức tạp, làm hư hỏng một số công trình nhà ở của người dân nơi đây. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí và quỹ đất tái định cư nên người dân vẫn phải sống dưới chân núi lở trong cảnh thấp thỏm lo âu.

Nhiều người dân sống ngay dưới chân núi lở Van Cà Vãi.

Nhiều người dân sống ngay dưới chân núi lở Van Cà Vãi.

Trước thực tế trên, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt và triển khai dự án Khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi. Dự án có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Mục tiêu dự án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho 5 hộ dân với 24 nhân khẩu dưới chân núi Van Cà Vãi và tuyến đường ĐH77.

Đây là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp của Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, được khởi công vào ngày 15/7 và tổ chức thi công trong 108 ngày (hoàn thành trước 31/10); do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư.

Dự án Khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng.

Dự án Khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, dù đã được bàn giao mặt bằng 62 ngày, nhưng đơn vị thi công mới chỉ thực hiện được 23,28% giá trị hợp đồng, giải ngân đạt tỷ lệ 5,2%. Trong đó, đã hoàn thành cơ 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 của mái taluy, đang triển khai thi công đào bạt mái cơ 2. Hoàn thành hơn 14m rãnh đỉnh thoát nước, chưa hoàn thành rãnh hình thang thu nước tại các cơ hiện trạng, dốc nước, bậc thềm cơ mới và rọ đá gia cố.

Lý giải tiến độ dự án chậm, chủ đầu tư cho rằng, việc triển khai dự án đang gặp khó khăn bởi phạm vi thi công có địa hình độ dốc lớn; điều kiện mặt bằng tổ chức thi công công trình gặp nhiều trở ngại do trên đỉnh núi có trụ điện 110KV. Bên dưới chân núi có nhà dân đang sinh sống, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào; điều kiện thời tiết bất lợi thường xuyên mưa lớn ảnh hưởng đến quá trình thi công công trình.

Đây là dự án xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp, chỉ định nhà thầu thi công.

Đây là dự án xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp, chỉ định nhà thầu thi công.

Kiểm tra hiện trường dự án, mục sở thị giải pháp được chủ đầu tư đưa ra để khắc phục sạt lở tại vị trí này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ những khó khăn với chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan bám sát hiện trường, đôn đốc các đơn vị thi công bố trí thời gian thi công hợp lý trong điều kiện thời tiết thường xuyên diễn biến bất lợi như hiện nay để đẩy nhanh tiến độ. Khẩn trương chỉ đạo nhà thầu dịch chuyển hết lượng đất, đá nằm sát mép nhà dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa lớn, đất ngậm nước dễ gây sạt trượt.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ chất lượng của công trình, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và hoàn thành công trình đúng tiến độ, nhằm đảm bảo cho công tác ứng phó thiên tai, an toàn cho người và tài sản tại núi Van Cà Vãi trước mùa mưa, lũ năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra hiện trường dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra hiện trường dự án.

Ông Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, Quảng Ngãi là một trong những địa phương được đánh giá có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở núi trong mùa mưa. Chính vì vậy, yêu cầu UBND huyện Sơn Hà nói riêng và các huyện miền núi của tỉnh, các địa phương có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá theo công bố của Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cũng như người dân vào công tác phòng, chống thiên tai.

Theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm thông tin cảnh báo, chủ động triển khai các phương án phòng, chống lụt bão, lũ, sạt lở đất, đá… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động cảnh giác, phòng, tránh thiên tai, chủ động di dời người dân ra khỏi các nơi có nguy cơ sạt lở; nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại khi có tình huống xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các sở, ngành quan tâm, tham mưu UBND tỉnh dành nguồn lực thỏa đáng cho các huyện miền núi trong công tác phòng, chống thiên tai.

Đọc thêm