Tìm "lời giải" cho "cuộc đua" lương - vật giá (Kỳ 1)

Tiền lương và vật giá vẫn chạy đua không cân sức, cải cách tiền lương vẫn được đem ra mổ xẻ tìm giải pháp, nhưng với “lối mòn” không được khai thông đúng qui chuẩn như hiện nay trong thực hiện chế độ tiền lương thì có lẽ tìm được câu trả lời cho mối bận tâm “bao giờ CBCC, NLĐ có thể sống được bằng lương” là việc của tương lai xa lắm…

“Từ năm 2003 đến nay đã có 7 lần điều chỉnh lương tối thiểu nhưng “lương vẫn chưa đuổi kịp giá”, chưa thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động (NLĐ),…– “bài ca” cũ đã đẩy vấn đề “nóng” là tiền lương vào “ngõ cụt” trên con đường cải cách với những mục tiêu đầy “đẳng cấp”.

Hình minh họa
Hình minh họa
“Giá đi trước, lương “lả lướt”… đuổi sau”
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, số người được hưởng lương từ ngân sách trong cả nước hiện lên tới gần 6,1 triệu người. Với đợt tăng lương tối thiểu từ ngày 1/5, ước tính sẽ có thêm khoảng 49.300 tỉ đồng được tung vào lưu thông mỗi năm theo hệ thống lương. Bản thân từng yếu tố cấu thành nên “lương” là lương tối thiểu; hệ thống thang, bảng lương; chế độ phụ cấp cũng mang những bất cập cần giải quyết. 
Theo ông Hoàng Minh Hào (Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương - Bộ LĐTB&XH), tiền lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống của NLĐ bởi “vẫn dựa trên căn cứ để trả lương từ năm 1985”. Vì vậy luôn có khoảng cách lớn giữa lương được hưởng với nhu cầu sống của NLĐ.
Thực tế qua các lần tăng lương, lương tối thiểu dù cố điều chỉnh đến đâu vẫn luôn “lạc hậu” với thời cuộc, không chỉ không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NLĐ, mà còn tạo kẽ hở để chủ DN trả lương thấp cho NLĐ. Bản thân lương tối thiểu còn có sự phân biệt giữa khu vực hành chính sự nghiệp và DN tạo ra sự phân chia nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ khác với CBCC nhà nước, khiến “làn sóng “ chất xám” từ khu vực Nhà nước cứ “ào” sang khu vực DN (nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài). 
Hệ thống thang bảng lương cùng những hệ số rối rắm, bình quân, cào bằng không gắn với vị trí việc làm, hiệu suất lao động đã làm “cùn mòn ý chí phấn đấu của người nhận lương”. Nên nếu CBCC hay NLĐ không “đột xuất” bị kỷ luật với hình thức “hạ bậc lương” hay “tạm dừng lên lương”… thì cứ 2-3 năm tùy ngạch mà “tự động” lên lương (lên hệ số), bất cần đến hiệu quả lao động.
 Trong khi đó, các khoản phụ cấp lương ở nước ta có xu hướng ngày càng mở rộng và dàn trải ra nhiều ngành, lĩnh vực. Không kể, việc “tận thu” phụ cấp chức vụ khiến ở nhiều cơ quan nhà nước, số CB có chức danh (được hưởng phụ cấp) chiếm đến hơn 50% CBCC, NLĐ trong cơ quan. Vậy là phụ cấp vốn chỉ là phần phụ của lương giờ lại thành 1 hình thức “lương” đặc biệt. 
Làm sao khi “tiền không có”?
Khó khăn lớn nhất cho việc thực hiện được các mục tiêu của cải cách tiền lương chính là nguồn chi tiền lương. 
Phương án tinh giản biên chế thực ra là hiệu quả nhất song qua 1 quá trình được thực hiện chưa đem hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, “thực tế lương mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, CBCC thì mọi sự vay nợ sẽ trở nên vô nghĩa”…
Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 35% mức sống của CBCC, nhưng người ta vẫn “chạy chọt” vào các cơ quan Nhà nước. Khảo sát của UNDP về tình trạng lương của CBCC đối với 10.000 người đã phần nào “hé lộ” một phần nguyên nhân. 
Đó là “cơ hội thăng quan tiến chức” (18%); “nơi làm việc ổn định đến khi nghỉ hưu” (30%); “để đóng góp vào sự phát triển của khu vực Nhà nước” (12%) và “không biết làm ở đâu khác” ( 28%).
Theo ông Jairo Acuna- Alfaro (Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng UNDP Việt Nam), CBCC phải tìm kiếm thêm các khoản thu nhập ngoài lương cho thấy có sự xao nhãng và thiếu ưu tiên trong khu vực công. Tình trạng đó sẽ rất khó để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và các điều kiện làm việc để thu hút và giữ chân những CBCC có chất lượng cao từ lương để thực thi công vụ. 
Từ đó, xây dựng cơ chế “toàn tâm cống hiến” trong CBCC hay là thí điểm trả lương ở các vị trí lãnh đạo nghĩa là cơ chế để CBCC cống hiến toàn bộ thời gian thực hiện nhiệm vụ và các trách nhiệm được giao phó có thể là “một trong những sợi dây bền nhất” để níu CBCC. Theo đó, CBCC được hưởng mức lương cao hơn nhưng minh bạch hơn và không được phép tham gia các hoạt động tạo ra các nguồn thu nhập thêm từ bên ngoài. Đây cũng là cách để thiết lập một nền công vụ chuyên nghiệp hơn.
Hội nghị T.Ư 5 vừa quyết định đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương để năm 2015 “NLĐ sống được bằng lương”. Theo ông Đoàn Cường (Vụ trưởng vụ tiền lương - Bộ Nội vụ), thực hiện mục tiêu này thì ngoài phương án thiết kế lương hiện hành, có thể  tính lương chức vụ, áp dụng chung với tất cả cán bộ. Còn đối với công chức chuyên môn, mỗi bảng sẽ có một mức lương, sau đó căn cứ vào kết quả hoàn thành công việc để tăng 5-10% mức lương. “Cách này thuận lợi là ta có thể trả lương theo công việc” – ông Cường nhận định.
Tiền lương và vật giá vẫn chạy đua không cân sức, cải cách tiền lương vẫn được đem ra mổ xẻ tìm giải pháp, nhưng với “lối mòn” không được khai thông đúng qui chuẩn như hiện nay trong thực hiện chế độ tiền lương thì có lẽ tìm được câu trả lời cho mối bận tâm “bao giờ CBCC, NLĐ có thể sống được bằng lương” là việc của tương lai xa lắm…
Hương Giang

Đọc thêm