Tìm thấy đuôi tiêm kích SU 22 ở độ sâu 32m

(PLO) - Đó là thông tin được Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết vào cuối giờ chiều qua, theo VnExpress.
Trước đó, trưa qua 17/4 ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết hiện có 4 tàu của Cảnh sát Biển, Hải quân Vùng 4, Biên phòng và một máy bay quân sự của Sư đoàn 370 tổ chức tìm kiếm.
Tin từ Bộ đội Biên phòng huyện đảo Phú Quý cho biết, tàu của lực lượng Biên phòng cùng với nhiều tàu cá của ngư dân trong vùng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm. Bên cạnh đó, Trung đoàn Phòng không Không quân 937 (thuộc Sư đoàn 370 - Quân chủng Phòng không Không quân) tiếp tục cho máy bay xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) ra vị trí hai chiếc SU 22 rơi để tìm kiếm cứu nạn.
Chi tiết hành trình lâm nạn của hai chiếc SU 22 (Đồ họa: Tiến Thành-Việt Trung/VN Express)
Chi tiết hành trình lâm nạn của hai chiếc SU 22 (Đồ họa: Tiến Thành-Việt Trung/VN Express) 
Theo ông Tân, các tàu cứu hộ của tỉnh Bình Thuận vẫn đang tiếp cận vị trí nghi 2 máy bay rơi để tìm kiếm; địa điểm máy bay gặp sự cố cách hòn Đá Bé khoảng 1 hải lý. Ba thùng dầu tìm được trên biển vào chiều 16/4 đã được đưa vào đảo Phú Quý, 3 thùng dầu rỗng này có số hiệu trùng với số hiệu máy bay mất tích (5863).
Ông Nguyễn Đình Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết,  tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngành, địa phương chuẩn bị mọi phương tiện cần thiết để tham gia hỗ trợ công tác cứu nạn khi được yêu cầu.
Sáng 17/4, ông Tạ Minh Nhựt - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý - cho biết: “Theo chủ trương của cuộc họp bàn phương án cứu hộ cứu nạn, nhiều lực lượng phối hợp tìm kiếm kể cả trên không lẫn trên biển, huy động lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư cùng tham gia. Thời tiết khu vực này rất tốt, thuận lợi cho việc tìm kiếm”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Tân cho hay, việc tìm kiếm hôm qua dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, huyện đảo Phú Quý đã sẵn sàng 10 tàu đánh cá của ngư dân, nếu có yêu cầu sẽ xuất bến.
Còn Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, khi trả lời VnExpres đã cho hay, lực lượng tìm kiếm đã được bổ sung một tàu bộ đội đặc công, có 20 người nhái. Tuy nhiên, mọi phương án đang tập trung trên mặt nước, chỉ khi nào xác định được vị trí máy bay rơi, lính đặc công mới vào cuộc.
Và đến 18h chiều qua, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn thông tin: “Mảnh vỡ là phần đuôi một trong hai chiếc Su 22 mất tích. Vị trí hai máy bay rơi đã được xác định”.
Trước đó, theo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, lúc 11h24, biên đội 2 máy bay Su 22 cất cánh từ sân bay Phan Rang ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã bị mất liên lạc lúc 11h35'. Khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20km.
Hai phi công gặp nạn gồm Trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay số hiệu 58-57 và đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) điều khiển máy bay 58-63./.

Đọc thêm